Theo báo cáo của UBND tỉnh, tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 của tỉnh đạt 18%, cao hơn bình quân cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn này đạt trên 287 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2017, trong 10 tháng qua, tỉnh thu hút 81 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 8.000 tỷ đồng (358 triệu USD), trong đó có 78 dự án đầu tư trong nước và 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); các dự án chủ yếu thuộc các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, giáo dục…
Giám đốc Sở Ngoại vụ Hồ Quang Minh: Tỉnh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan về kết nối trước, trong và sau thời gian xúc tiến đầu tư.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có trên 745 dự án, trong đó có 676 dự án trong nước với số vốn đầu tư 100.148 tỷ đồng và 69 dự án FDI với số vốn trên 11,631 tỷ USD. Hà Tĩnh là địa phương đứng thứ 9 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với 17 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào địa bàn.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động của các dự án. Ngoài ra, địa phương có lực lượng lao động dồi dào, sáng tạo, cần cù.
Ông Nguyễn Bá Cường – Vụ trưởng, trợ lý Chủ nhiệm phụ trách XTĐT tại Đài Loan: Hà Tĩnh có nhiều cơ hội và tiềm năng thu hút đầu tư. Tuy nhiên, định hướng của tỉnh cần cụ thể hơn và căn cứ vào các thế mạnh của địa phương.
Vụ trưởng Trần Hồng Kỳ cho rằng, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, cơ chế, chính sách, ưu đãi, nguồn lao động của Hà Tĩnh. Địa phương đang định hướng đầu tư thiên về công nghiệp nặng, luyện thép, công nghiệp chế biến, năng lượng… Qua chuyến khảo sát và làm việc này, các thành viên trong đoàn sẽ tăng cường tạo kết nối giữa Hà Tĩnh với các nhà đầu tư nước ngoài để giúp địa phương phát huy tối đa lợi thế của mình.
Ông Trần Hồng Kỳ cũng cho rằng, để thúc đẩy xúc tiến đầu tư, thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư, Sở KH&ĐT, BQL Khu Kinh tế tỉnh… phải phối hợp chặt chẽ với nhau để tạo ra tiếng nói chung của Hà Tĩnh. Đồng thời tích cực phối hợp với các tham tán, thành viên đoàn để kết nối thông tin với các nhà đầu tư, doanh nghiệp các nước. Hà Tĩnh cũng cần đa dạng hơn các đối tác đầu tư.
Bà Đinh Thị Tâm Hiền - Phó Vụ trưởng, Tham tán phụ trách XTĐT tại Hàn Quốc: Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với địa phương tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng nhấn mạnh, Hà Tĩnh luôn quan tâm thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Để kết nối xử lý thông tin với doanh nghiệp và các đơn vị, cơ quan phối hợp, Hà Tĩnh đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh đã có bước phát triển thần kỳ thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều khó khăn như: thiếu sân bay, đường cao tốc… Hà Tĩnh dư thừa lao động chất lượng cao nhưng lại thiếu lao động phổ thông và đây đang là bất cập lớn ở địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng bày tỏ mong muốn các thành viên đoàn kết nối, thu thập thông tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nếu có nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nào ở địa phương, Hà Tĩnh sẽ ngay lập tức liên hệ và cung cấp thông tin. Đặc biệt, mong Bộ KH&ĐT, đoàn công tác giúp đỡ Hà Tĩnh xử lý thông tin, kết nối với nhà đầu tư của các nước.