Những ngày cuối năm, đi khắp các vùng miền trên toàn tỉnh, chúng tôi được chứng kiến một diện mạo mới với màu xanh ngút ngàn trên những cánh rừng hay giữa không gian đô thị hiện đại. Đây là kết quả bước đầu triển khai Đề án “trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh trồng cây tại khu dân cư Nam Bắc Thành, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân năm 2022.
Là địa phương tiên phong trong triển khai đề án, ngày 10/5/2022, BTV Thành ủy Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/Th.U về “kế hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị đến năm 2025”. Từ đường phố, công viên, vườn hoa, trụ sở, trường học, bệnh viện, công trình công cộng hay trong vườn nhà…, TP Hà Tĩnh đều huy động xã hội hóa để phủ xanh nhiều loại cây, đưa phong trào trồng cây thành một việc làm thường xuyên và thiết thực.
Từ năm 2020 đến đầu tháng 12/2022, TP Hà Tĩnh đã trồng mới được gần 69.000 cây xanh.
Anh Trần Huy Dũng - chuyên viên Phòng Quản lý đô thị, UBND TP Hà Tĩnh cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã trồng được 68.767 cây xanh. Riêng năm 2022, toàn thành phố trồng được trên 21.000 cây xanh tại 15 phường, xã. Những loại cây được thành phố lựa chọn trồng như: bàng Đài Loan, phượng vàng, phong linh, đỗ mai, phượng, hoa ban…
Để đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh, thành phố cũng ban hành nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển cây xanh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Dự kiến, nguồn ngân sách tỉnh và thành phố sẽ hỗ trợ khoảng 40,7 tỷ đồng để trồng cây xanh giai đoạn 2022 - 2025. Ngoài ra, thành phố cũng huy động nguồn lực xã hội hóa từ Nhân dân để trồng thêm 45.000 cây và huy động các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp 5 tỷ đồng để phủ xanh thành phố”.
Trong năm 2022, TP Hà Tĩnh đã trồng được trên 21.000 cây phân tán các loại.
Không riêng TP Hà Tĩnh, thời gian qua, các địa phương trên toàn tỉnh đều đồng loạt đẩy mạnh trồng cây phân tán và trồng rừng để hiện thực hóa đề án mà Chính phủ ban hành. Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, năm 2022, toàn tỉnh ước trồng 2,8 triệu cây phân tán (đạt 100% kế hoạch của năm) và trồng rừng tập trung khoảng 9.390 ha (đạt 117,4% so với kế hoạch năm và tăng 0,33% so với năm 2021); trong đó, rừng phòng hộ được trồng mới khoảng 350 ha, rừng sản xuất khoảng 9.040 ha. Một số địa phương thực hiện tốt như: Hương Sơn, Kỳ Anh, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Vũ Quang…
Tuổi trẻ Hà Tĩnh ra quân trồng cây phục hồi rừng ngập mặn ở xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh.
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 459/KH-UBND thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch, Hà Tĩnh phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh trồng thêm khoảng 13.709.200 cây xanh (trong đó 8.048.000 cây xanh trồng phân tán ở các khu vực đô thị và khu vực nông thôn; 5.661.200 cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất).
Ngân hàng BIDV Hà Tĩnh ra quân trồng cây năm 2022 ở xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà.
Ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, tỉnh đã giao chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán trong cả giai đoạn và từng năm cụ thể đến từng đơn vị, địa phương. Để hoàn thành các nội dung Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ, các địa phương, đơn vị cần tập trung quyết liệt trong công tác điều hành, chỉ đạo; chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc tổ chức trồng rừng, trồng cây xanh phân tán phải đúng thời vụ, thực hiện thường xuyên, lâu dài và đảm bảo phù hợp. Sau khi trồng, công tác chăm sóc, bảo vệ phải được đặc biệt quan tâm và gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân”.
Giáo viên, học sinh TP Hà Tĩnh trồng cây trên trục đường Phan Bội Châu - phường Văn Yên (TP Hà Tĩnh) nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập thành phố.
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, để thực hiện được mục tiêu trồng cây xanh đến năm 2025 của tỉnh, các địa phương, đơn vị cũng cần phối hợp với ngành chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh. Tỉnh cũng sẽ thực hiện rà soát, bố trí đất và giám sát thực hiện theo kế hoạch.
Sau khi trồng, các đơn vị, địa phương cần gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc và bảo quản cây.
Theo đó, các sở, ban ngành, địa phương căn cứ kế hoạch của tỉnh để rà soát quy hoạch sử dụng đất, bố trí diện tích đất trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất phù hợp với quy hoạch; bố trí diện tích đất trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông, đất trồng cây xanh nông thôn… phù hợp với địa phương, đơn vị mình; xây dựng kế hoạch trồng cây phân tán, trồng cây xanh tập trung hằng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 để huy động nguồn lực thực hiện.
Về cây giống, các địa phương chủ động gieo ươm, chuẩn bị đủ số lượng cây giống có chất lượng, phù hợp tập quán canh tác của địa phương. Tổng kinh phí triển khai kế hoạch dự kiến khoảng trên 1.300 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn NSNN trên 14 tỷ đồng, còn lại là huy động nguồn lực khác.
Với việc cụ thể hóa kế hoạch thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục bảo vệ, phát triển rừng, mang lại môi trường sinh thái trong lành, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu; qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.