Trận đại hồng thuỷ tháng 10 đã nhấn chìm nhiều địa phương ở Hà Tĩnh trong biển nước.
Nghệ An, Hà Tĩnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đang từng bước phục hồi. Miếng khi đói bằng gói khi no. Mỗi tấm áo là một tấm lòng. Bà con cả nước đã đùm bọc, chở che cho đồng bào miền Trung. Dù biết là chặng đường phía trước còn nhiều gian nan nhưng sức mạnh của tình yêu thương sẽ giúp mọi người vượt qua tất cả.
Cảm thương biết bao con người đến giờ vẫn chưa tìm thấy người thân trong vụ lở núi ở Thủy điện Rào Trăng, Huế và ở Trà Leng, Trà My, Quảng Nam! Thiên nhiên dữ dằn đã lấy đi của họ những người thân yêu nhất. Nhà cửa rồi sẽ được xây dựng lại, nhưng nỗi đau mất người thân là sự tái tê nhất giữa mùa đông lạnh giá.
Sự giúp đỡ ngay trong cơn lũ đã khiến người dân vùng lũ ấm lòng.
Rồi đây, với sự hỗ trợ của Đảng, Chính phủ, đồng bào cả nước, trong tình yêu thương của làng xóm, nỗi đau hy vọng sẽ dần nguôi ngoai. Trong cơn gió lạnh miền Trung, mong sao bà con sẽ cảm nhận được hơi ấm ấy mà gượng đứng dậy, bắt đầu cuộc sống mới.
Lũ đã rút nhưng những chuyến xe về miền Trung vẫn chưa dừng lăn bánh. Qua rồi những ngày tháng cần lương thực, thực phẩm, những nguồn tiền ủng hộ từ các cá nhân và tập thể sẽ góp phần phục hồi điện, đường, trường, trạm và sinh kế cho bà con. Những người nông dân lại bắt đầu vun xới, gieo trỉa vụ mới từ nguồn giống được tỉnh cấp.
Những cuốn vở trắng tinh, từng bộ sách giáo khoa, quần áo, tư trang đang tiếp tục chuyển về vùng lũ. Và những đồng tiền thấm mặn mồ hôi của biết bao người dân trong nước, kiều bào nước ngoài cùng nguồn tiền hỗ trợ của Chính phủ đang giúp người dân dựng lại nhà cửa, mua sắm lại tiện nghi.
Sự giúp đỡ của đồng bào cả nước đã giúp người dân vùng lũ “gượng dậy” tái thiết cuộc sống.
Biết bao người xin góp một ít tiền chắt chiu được, đồng quà gói bánh gom góp được gửi bà con vùng lũ với một nguyện vọng: xin được dấu tên. Trong chuyến đi cứu trợ cho bà con vùng lũ ở Thạch Hà, anh Bùi Thúc Linh, một người con của Hà Tĩnh hiện sống ở Bình Dương kể: Biết tôi về Hà Tĩnh, nhiều bạn bè chuyển tiền vào tài khoản nhờ tôi gửi tới bà con.
Một người bạn đồng hương nói: Mình gửi cậu mấy triệu, về đó thấy ai nghèo khổ thì đưa cho họ giúp mình, đừng nói tên mình làm gì. Đến trao quà cho ai anh cũng nói: Đây là quà của bạn bè con gửi cho ông bà, ông bà cứ biết thế là được. Bà Mai thị Bé, một nữ doanh nhân đã 65 tuổi ở tỉnh Bình Dương chưa một lần biết đến Hà Tĩnh nhưng xem ti-vi thấy cảnh bà con ngập nhà cửa, trôi hết đồ đạc đã quyên góp người dân trong tổ dân phố cùng với của gia đình bà 400 suất quà, gồm nhu yếu phẩm, mỗi suất trị giá 200.000 đ chở ra Hà Tĩnh.
Gặp lúc cơn lũ thứ 2 ập đến, trời mưa như trút nước. Có người bàn bà trao tượng trưng vài suất rồi gửi lại cho các tổ chức nhưng vì nóng lòng muốn đưa đến cho bà con Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) lúc nguy nan, bà và đoàn thiện nguyện đã lên đường ngay sau khi trời vừa ngớt, nước lũ còn mênh mang.
Bà Bé (đội mũ phía trong cùng) tặng quà cho bà con vùng lũ Cẩm Vịnh ( Cẩm Xuyên)
Bà tâm sự: “Tôi đi du lịch dài ngày thấy mệt nhưng đi trao quà cho bà con thế này tôi thấy khỏe ra, không mệt chút nào”. Chỉ có tình yêu thương của những người cùng chung một bọc mới có nghĩa cử ấy. Tình yêu thương ấy trao đi, đốt lên một ngọn lửa giữa ngày đông, xua tan giá lạnh.
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân đang đến. Tiếng hát tiếng cười xua tan ám ảnh về những ngày lũ dữ. Tiếng trống trường lại rộn rã vang lên. Những mầm xanh qua bão lũ bị vùi dập lại vươn dậy. Tình yêu thương của cộng đồng đang sưởi ấm những mảnh đời khó khăn, đưa họ lại gần hơn với xóm làng họ mạc.
Ngàn đời nay vẫn vậy, hôm nay hơn thế và mai sau lại càng hơn thế nữa. Qua cơn hoạn nạn càng yêu hơn ân tình của cộng đồng. Ân tình ấy xóa đi mọi khoảng cách giàu nghèo, sang hèn, sưởi ấm những người yếu thế, thiệt thòi trong xã hội, thắp lên niềm tin tươi sáng trong mỗi con người.