Chị Nguyễn Thị Mai Huê (thôn Yên Du) đang tất bật thu hoạch hồng để “trả đơn” cho khách.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mai Huê (thôn Yên Du) trồng hơn 100 gốc hồng, trong đó hơn 40 gốc đã cho quả. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên vườn hồng của gia đình chị đậu quả rất cao, ước tính hết vụ thu về khoảng trên 5 tấn quả.
Năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cứ nghĩ hồng quả sẽ khó tiêu thụ; tuy nhiên, gần một tuần nay, vườn hồng của gia đình chị thu hoạch đến đâu bán hết tới đó. Thương lái vào thu mua liên tục.
Ước tính 40 gốc hồng của chị Huê thu về khoảng 5 tấn quả, cho nguồn thu khoảng trên 160 triệu đồng.
Chị Huê cho biết: "Dù mới vào vụ nhưng hồng năm nay bán rất được giá, từ 30 - 35 nghìn đồng/kg. Hiện, gia đình tôi đã xuất bán được trên 2 tấn, thu về hơn 65 triệu đồng. Nếu duy trì mức giá này từ nay đến hết vụ, vườn hồng của gia đình sẽ cho nguồn thu trên 160 triệu đồng.
So với năm ngoái thì năm nay, hồng đậu quả nhiều hơn, giá bán dự kiến cũng sẽ tăng cao trong những ngày tới. Đặc biệt, từ khi tham gia vào Tổ hợp tác hồng Bình Du, sản phẩm hồng của gia đình chị ngày càng được nhiều khách hàng biết đến".
Bà Trần Thị Phượng (thôn Yên Du) phấn khởi vì hồng được mùa, được giá.
Vụ hồng năm nay, gia đình bà Trần Thị Phượng (thôn Yên Du) có gần 50 gốc hồng cho quả, sản lượng ước đạt đến cuối vụ khoảng trên 5 tấn, cho nguồn thu khoảng 160 triệu đồng.
Bà Phượng cho hay: “Nếu tính như thời điểm hiện tại thì cây hồng cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng ở đây như: cam, chanh, bưởi… do cây hồng không phải chăm sóc nhiều, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và các khoản đầu tư phân bón”.
Nhiều gia đình chiết ghép thêm cây để mở rộng diện tích hồng.
Cũng theo bà Phượng, do thổ nhưỡng nên hồng ở đây phát triển rất tốt, khoảng 3 năm thì cây bắt đầu cho quả. Những cây 6 năm tuổi có thể cho sản lượng cao nhất khoảng 150 kg/cây. Những cây hàng chục năm tuổi thì cho sản lượng quả lên đến 300 kg/cây.
Nhận thấy cây hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều gia đình trong thôn đã chiết ghép cây giống để mở rộng diện tích. Những năm gần đây, hồng được giá nên bà con ai cũng phấn khởi.
Hiện tại, toàn thôn Yên Du có khoảng 90 hộ trồng hồng, với diện tích gần 40 ha.
Thôn Yên Du nổi tiếng với đặc sản hồng giòn không hạt, giống hồng trên được người dân bắt đầu trồng trên vùng đất đồi này từ hơn 100 năm trước. Tuy nhiên, trước đây người dân chỉ trồng mỗi hộ từ 1 - 2 cây để gia đình sử dụng chứ không nghĩ đến việc phát triển kinh tế.
Nhận thấy những năm gần đây cây hồng mang lại giá trị kinh tế cao nên người dân đang dần mở rộng diện tích. Hiện tại, toàn thôn có khoảng 90 hộ trồng hồng, với diện tích gần 40 ha.
Năm nay, sản lượng hồng Yên Du ước đạt trên 50 tấn, mang về nguồn thu khoảng 2 tỷ cho bà con.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lĩnh Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Năm nay, sản lượng hồng Yên Du ước đạt trên 50 tấn, mang về nguồn thu gần 2 tỷ cho bà con. Để sản phẩm hồng có chỗ đứng trên thị trường và tiêu thụ ổn định, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng Tổ hợp tác hồng Bình Du và hiện đang tiếp tục vận động người dân tham gia vào tổ. Từ đó, nhằm mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Cũng theo ông Thanh, trong tuần sau, sản phẩm hồng Yên Du sẽ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021. Nếu được liên ngành công nhận đạt chuẩn OCOP, sản phẩm hồng Yên Du sẽ còn vươn xa hơn nữa.