Trường Mầm non Phú Phong (Hương Khê) được xây dựng từ nguồn trái phiếu Chính phủ đã sẵn sàng đón học sinh
Những ngày nghỉ hè của tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS Tân Vịnh (Lộc Hà) trở nên ngắn hơn bởi phải tập trung cho các hoạt động lao động, chuẩn bị CSVC để đón nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt cán bộ, giáo viên khi cơ sở vật chất trường học được tăng cường, nhà trường cũng sẽ chấm dứt tình trạng học 2 ca, góp phần nâng cao chất lượng trong từng giờ học.
Cô Lê Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Vịnh cho biết: “Với nguồn kinh phí đầu tư hơn 9 tỷ đồng, năm học mới này, chúng tôi sẽ đưa vào sử dụng nhà học cao tầng 12 phòng, giải quyết được nhu cầu phòng bộ môn, thư viện, phòng truyền thống và chấm dứt tình trạng học 2 ca. Ngoài ra, chúng tôi cũng được xã Hộ Độ đầu tư hơn 600 triệu đồng để hoàn thiện đường vào trường, khuôn viên. Nguồn kinh phí 1 tỷ đồng được tiết kiệm từ khoản xây dựng trường trong 2 năm qua cũng giúp trường trang bị đầy đủ thiết bị cho các phòng học”.
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Tân Vịnh sắp xếp đồ dùng dạy học chuẩn bị năm học mới
Cùng niềm vui ấy, với nguồn đầu tư 20 tỷ đồng, năm học này, Trường Mầm non Cương Gián (Nghi Xuân) quyết tâm lấy lại danh hiệu trường chuẩn. Hiệu trưởng Phan Thị Mạnh cho biết: “Được hưởng lợi từ nguồn NTM và một số dự án, năm nay, chúng tôi đã được đầu tư mới 20 phòng học đạt chuẩn. Nhờ có cơ sở vật chất này, 3 điểm trường đã được quy về thành 2 điểm; gần 1.000 học sinh ở cả 3 nhóm lớp sẽ được học tập, vui chơi, ăn ngủ trong điều kiện tốt hơn. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ được đầu tư thêm 2 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học và đồ chơi cho trẻ”.
Một số hạng mục công trình của Trường Tiểu học Hà Huy Tập cũng đang gấp rút được hoàn thiện để phục vụ năm học mới.
Năm nay, được hưởng lợi từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn trái phiếu Chính phủ và ngân sách huyện huy động nên nhiều trường được đầu tư xây dựng khang trang. Nổi bật trong số đó là huyện Hương Khê, với nguồn kinh phí gần 130 tỷ đồng, Hương Sơn hơn 60 tỷ đồng, Can Lộc hơn 70 tỷ đồng, Thạch Hà hơn 50 tỷ đồng…
Ông Võ Đức Đại - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc cho biết: “Năm nay, toàn huyện đã được đầu tư xây dựng gần 100 phòng học mới, ngoài ra còn có một số nhà ăn bán trú cho bậc học mầm non. Đặc biệt trong số đó, xã Gia Hanh được đầu tư cơ sở vật chất cho cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Từ đó các trường ở vùng khó khăn đã có động lực để thực hiện tốt các hoạt động dạy, học”.
Cơ sở vật chất mới của Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Kỳ Anh) sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học 2018-2019.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT, trong năm học mới này, toàn ngành đã được đầu tư đưa vào sử dụng hơn 1.600 phòng mới, trong đó có 900 phòng học, gần 200 phòng bộ môn, 64 phòng thư viện, 38 nhà đa chức năng, 367 công trình vệ sinh… Cùng với niềm vui khi nhiều trường đã thoát khỏi cảnh học 2 ca, lấy lại được bằng chuẩn, giáo viên, học sinh đã không còn phải đối mặt với nỗi lo phải học tập, giảng dạy trong những phòng học xuống cấp.
Ngoài ra, vừa qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo rà soát bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, dạy học thực hành... Theo đó, toàn ngành đã mua sắm thêm gần 1.100 máy tính để bàn và máy xách tay, 186 máy chiếu, 211 máy in và máy photo, 74 radio cassett, 98 camera, 218 ti vi... Các bậc học còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm đồ dùng dạy học cho các phòng thực hành, cụm đồ chơi cho trẻ, bàn ghế...