Sau khi xảy ra cháy chợ Sơn, huyện Hương Khê đã chuyển đổi mô hình, giao cho doanh nghiệp quản lý và được đầu tư xây dựng tại vị trí mới, hiện nay đang gấp rút hoàn thành.
Sau 3 năm quyết liệt thực hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác và xã hội hóa đầu tư xây dựng, tình hình phát triển chợ trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Sàn giao dịch nông sản, thực phẩm sạch, an toàn là một trong những điểm nhấn tại chợ Hồng Sơn – La Giang (thị xã Hồng Lĩnh). Ảnh: Thanh Hoài
Đến nay, toàn tỉnh hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý 115/127 chợ. Riêng năm 2018, đã có 4 chợ xây dựng mới hoàn thành và đưa vào hoạt động là chợ xã Kỳ Tân, chợ xã Kỳ Lâm (huyện Kỳ Anh), chợ Gôi (Sơn Hòa, Hương Sơn) và chợ Hồng Sơn - La Giang (thị xã Hồng Lĩnh)...
Chợ Bộng xã Đức Bồng (Vũ Quang) được đầu tư 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, đến nay đã đi vào hoạt động hiệu quả, an toàn, đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân...
Nhìn chung, các chợ sau khi chuyển đổi và giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp khá khang trang, hiện đại. Qua đó mang lại hiệu quả rõ nét về mặt xã hội, tách bạch chức năng quản lý nhà nước, tăng thu ngân sách, đáp ứng yêu cầu kinh doanh của thương nhân và người tiêu dùng, đảm bảo tốt hơn các điều kiện về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ...
Những khu chợ hiện đại góp phần đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong vùng (ảnh tiểu thương chợ Bộng bán hàng)...
Đối với 12 chợ chưa chuyển đổi, Sở Công thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá cụ thể khả năng thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý. Đối với các chợ có khả năng thu hút đầu tư, quản lý khẩn trương hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình quản lý theo quy định trong năm nay; đối với các chợ không có khả năng chuyển đổi, báo cáo cụ thể, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh Kế hoạch...