Siêu bão số 10 năm 2017 gây thiệt hại cho Hà Tĩnh hơn 6.000 tỷ đồng
Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết: Bão lũ xảy ra trong năm 2017 trên địa bàn gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng. Bởi vậy, công tác ứng phó với bão lụt luôn trong thế chủ động, nhất là xây dựng các phương án sát đúng tình hình thực tế của địa phương. Huyện đã đưa ra 4 kịch bản với cấp độ bão khác nhau để từ đó bố trí lực lượng, phương tiện sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Các địa phương chủ động xây dựng phương án sơ tán dân khi xẩy ra bão mạnh, siêu bão
“Khi xẩy ra bão mạnh, siêu bão, huyện sẽ tổ chức di dời 5.434 hộ với 20.273 người ở 22 xã, thị trấn đến các địa điểm trường học, trụ sở các cơ quan, hội quán thôn trên địa bàn. Đối với những vùng khi mưa, lũ xảy ra thường bị chia cắt, dễ bị cô lập thì vận động nhân dân chủ động mua sắm thuyền bè, dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm, chất đốt, nước sạch để có khả năng thích ứng khi lực lượng chi viện chưa tiếp cận được” – ông Vinh cho biết thêm.
Bố trí lực lượng tại các khu neo đậu để hỗ trợ ngư dân giằng néo tàu thuyền
Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn cho biết: "Trên tinh thần chủ động ứng phó, ngoài phương án di dời dân, Lộc Hà đặc biệt quan tâm đến đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trong mùa mưa bão. Đảm bảo an toàn cho 463 tàu thuyền với 1.777 lao động, trước khi xẩy ra bão mạnh, các xã vùng biển cảnh báo, thông tin liên lạc cho các tàu thuyền kịp về nơi trú ẩn an toàn.
Mặt khác, địa phương xây dựng phương án neo đậu cụ thể, sắp xếp tàu thuyền vào lạch Cửa Sót và neo đậu tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót hoặc cho lên cầu Hộ Độ, cầu Cày neo đậu. Đồng thời bố trí lực lượng hỗ trợ ngư dân giằng néo tàu thuyền, đảm bảo ANTT tại các khu neo đậu.
Bão dưỡng phương tiện để ứng cứu kịp thời khi xẩy ra mưa lũ
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng bất thường, bão mạnh, siêu bão luôn “rình rập”. Trước tình hình trên, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tính toán xây dựng các kịch bản, tình huống không để nằm ngoài các phương án ứng phó.
Ông Ngô Đức Hợi - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cho rằng, ngoài củng cố, kiện toàn lại ban chỉ huy PCTT & TKCN các cấp thì quan trọng nhất là rút ra bài học kinh nghiệm nhằm khắc phục tồn tại, yếu kém để công tác phòng chống bão lụt hiệu quả hơn. Mặt khác, huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ con người và tài sản khi xảy ra bão mạnh, siêu bão.
Nhà kiên cố sẽ là nơi tránh bão lũ an toàn
“Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời luôn là phương châm để các địa phương và các tiểu ban xây dựng phương án đối phó trước mùa mưa lũ. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng PCTT và phương châm “4 tại chỗ” thực sự quan trọng. Theo đó, phải nâng cao năng lực và chất lượng hệ thống dự báo, cảnh báo, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành. Tổ chức tốt công tác thường trực PCTT & TKCN, nắm chắc diễn biến thời tiết, thiên tai, kịp thời dự báo và cảnh báo cho nhân dân chủ động phòng tránh” - ông Hợi nhấn mạnh.