Bãi rác tự phát nằm ở xã Thanh Bình Thịnh (trước là xã Thái Yên, huyện Đức Thọ) đã tồn tại từ lâu.
Với 16 đơn vị hành chính (15 xã và 1 thị trấn), bình quân mỗi ngày đêm, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) thải ra khoảng 40 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Theo ông Thái Sơn Vinh - Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Thọ, đối với khu vực trung tâm thì rác thải sẽ được tập kết tạm thời ở bãi rác Phượng Thành (nằm ở xã Tùng Ảnh) sau đó vận chuyển đi nơi khác xử lý.
“Vào năm 2018, huyện đã triển khai dự án xây dựng lò đốt ở bãi rác Phượng Thành nhưng khi thực hiện xong thì người dân phản đối, nguyên do không đảm bảo vệ sinh môi trường. Phải thừa nhận rằng, xét theo Quy chuẩn 01/2008 của Bộ Xây dựng, vị trí lò đốt rác này không đảm bảo yêu cầu do vướng khu dân cư (tối thiểu phải cách 500m), cũng như nằm đầu nguồn nước” - ông Thái Sơn Vinh cho biết thêm.
Ruồi nhặng bu kín ở các bãi rác tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Để giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, huyện Đức Thọ phải vận chuyển vào Nhà máy rác Phú Hà ở TX Kỳ Anh và đưa sang Quảng Bình để xử lý với chi phí 1,4 triệu đồng/tấn. “Huyện phải trích ngân sách nhiều tỷ đồng để giải quyết rác thải, tránh ô nhiễm môi trường. Dù tốn kém nhưng không còn cách nào khác” - Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Thọ cho hay.
Tại Hương Khê, trong khoảng 20 tấn rác thải rắn sinh hoạt “tuồn” ra hằng ngày của huyện thì có khoảng 5 - 7 tấn (chủ yếu của thị trấn Hương Khê) phải vận chuyển ra Nghệ An hoặc vào Quảng Bình để xử lý với chi phí 1 triệu đồng/tấn.
Rác thải rắn sinh hoạt hiện là vấn đề khiến huyện Hương Khê đau đầu trong suốt thời gian qua.
“Đầu năm 2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của huyện Hương Khê tại khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy với tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng nhưng tới nay vẫn chưa thể triển khai” - Quyền Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê Nguyễn Xuân Quyền thông tin.
Cùng với sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa với nhu cầu cao trong sinh hoạt hàng ngày của người dân dẫn tới phát sinh ngày càng nhiều chất thải rắn sinh hoạt cả về số lượng và thành phần. Không khó để bắt gặp hình ảnh những bãi rác tự phát xuất hiện khắp các đường làng, ngõ xóm, dòng sông hay khu dân cư tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh.
Không còn lạ với những hình ảnh người dân vô tư vứt rác ra đường.
Theo thống kê từ Sở TN&MT Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 216 đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải (170 HTX môi trường, 40 tổ đội vệ sinh môi trường, 5 công ty môi trường và 1 trung tâm dịch vụ hạ tầng) với 1.858 lao động. Phương tiện, thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển có 1.744 xe đẩy tay, 121 xe tải các loại và 28 xe chuyên dụng.
Rác đổ tràn ra khu vực đê hữu sông Lam, thuộc thị trấn Xuân An (Nghi Xuân).
Nhận định tầm quan trọng của công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt, thời gian qua, ngành TN&MT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xử lý triệt để vấn đề này. 13 địa phương đều đã phê duyệt đề án, ban hành, áp dụng mức giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, tỷ lệ thu gom rác còn thấp như: Đức Thọ (23%), Vũ Quang (50%), Hương Sơn (60%), Hương Khê (66%), Can Lộc (70%).
Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh vẫn gặp khó trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.
Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết, trước mắt, để giải quyết thực trạng rác thải sinh hoạt, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các địa phương củng cố, mở rộng mạng lưới HTX, tổ đội, đơn vị vệ sinh môi trường thu gom rác thải trên địa bàn, phối hợp có hiệu quả, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa…
Về lâu dài, sẽ hoàn thành Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; tham mưu đề xuất phương án xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện…