Các địa phương đã nỗ lực phủ kín các diện tích vụ đông 2022.
Tốc lực gieo trỉa ngô đông muộn - xuân sớm
Ngô là cây trồng chủ lực nhất trong vụ đông ở Hà Tĩnh với cơ cấu 5.294 ha, cả ngô lấy hạt và sinh khối. Diện tích tập trung ở các xã miền núi, vùng ven sông như: Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang. Những địa phương còn lại chỉ từ 20 - 200 ha/vụ.
Thời vụ gieo trỉa tập trung chính vụ của ngô đông bắt đầu từ khoảng cuối tháng 9 đến 30/10. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các vùng sản xuất ở Hà Tĩnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, bởi thế thời vụ sản xuất thực tế luôn bị “kéo giãn” sang trà đông muộn - xuân sớm (kết thúc thời vụ gieo trỉa vào 10/12).
Bà Nguyễn Thị Tứ - thôn Đập Lã, xã Sơn Lộc (Can Lộc) tranh thủ thời tiết tốt, gieo trỉa 3 sào ngô của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Tứ - thôn Đập Lã, xã Sơn Lộc (Can Lộc) có 3 sào ngô đông. Đáng lẽ, toàn bộ diện tích đã được gieo trỉa từ cuối tháng 10 nhưng vì mưa ẩm nên mãi đến nay bà mới gieo trỉa được.
Bà Tứ cho biết: “Tháng 9, tháng 10 thì sợ lụt, đầu tháng 11 vừa rồi lại mưa rét nên không đủ thời gian làm khô đất. Mấy hôm nay thời tiết ấm áp, tôi tranh thủ làm đất và gieo trỉa luôn, ít hôm nữa ngô lên đủ lá thì không sợ mưa phùn, gió bấc. Tôi sử dụng các loại giống ngô nếp ngắn ngày để đảm bảo cây trồng được sinh trưởng trong thời gian có thời tiết tốt nhất, dự kiến cho thu hoạch vào khoảng tháng 2/2022”.
Ngô đông ở Hà Tĩnh 2 trà chính, trà chính vụ (kết thúc gieo trỉa từ ngày 30/10) và ngô đông muộn - xuân sớm (kết thúc gieo trỉa vào ngày 10/12).
Không riêng bà Tứ, đó là tâm lý chung của bà con nông dân. Bà con thường chờ qua thời gian thời tiết có mưa lũ và ổn định hơn mới tập trung cao độ cho xuống giống sản xuất. Chẳng hạn như ở Hương Khê, gần như rất ít địa phương cơ cấu thời vụ sản xuất ngô đông chính vụ mà tập trung cho trà đông muộn - xuân sớm. Chỉ tính trong 10 ngày gần nhất (10 - 19/11), toàn huyện đã tăng thêm 400 ha được gieo trỉa (chiếm 37% tổng diện tích sản xuất), hoàn thành 100% (1.100 ha) kế hoạch.
Ông Hà Văn Cảnh - Trưởng thôn 5, xã Hà Linh (Hương Khê) cho hay: “Diện tích toàn thôn là 12 ha, trong đó 5 ha ngô lấy hạt, còn lại là ngô sinh khối. Từ ngày 9/11, chúng tôi bắt đầu tập trung máy móc ra đồng làm đất, gieo trỉa và hoàn thành toàn bộ diện tích chỉ trong 4 ngày. Năm nay có nguồn giống hỗ trợ của huyện nên bà con rất phấn khởi, dù vậy, điều mà chúng tôi vẫn canh cánh lo lắng là thị trường tiêu thụ. Mấy năm gần đây, đầu ra khó khăn khiến cho bà con nông dân thiếu mặn mà”.
Bà con nông dân Đức Thọ chăm sóc trà ngô đông đã gieo trỉa đầu vụ.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời vụ chính ngô đông đã kết thúc từ 30/10. Hiện nay, kế hoạch sản xuất chỉ còn lại trà đông muộn - xuân sớm. Đến ngày 19/11, toàn tỉnh đã sản xuất 3.217 ha ngô lấy hạt (đạt 86,3% kế hoạch); 1.296 ha ngô sinh khối (đạt 82,7% kế hoạch). Trong đó, ngô sinh khối chỉ mới bắt đầu thực hiện kể từ thời điểm sau 1/11 đến nay; ngô lấy hạt tăng 1.742 ha trên toàn tỉnh so với thời điểm đầu tháng. Các địa phương đã hoàn thành kế hoạch là: Hương Sơn, Hương Khê, huyện Kỳ Anh.
Sử dụng rau, khoai lang giống ngắn ngày để tranh thủ thị trường
Bà con nông dân xã Thạch Trung sản xuất rau cải mầm, tranh thủ thời điểm thị trường rau xanh tốt.
Trong thời điểm thị trường rau, củ, quả khan hiếm, giá cả “leo thang”, các vùng sản xuất ở Hà Tĩnh đã “rục rịch” mở rộng sản xuất, tranh thủ tối đa khả năng nguồn cung tại chỗ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bởi thế, dù điều kiện sản xuất rất khó khăn thì ngay từ đầu vụ, tiến độ sản xuất rau các loại vẫn khá đều và đảm bảo diện tích theo kế hoạch.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hoàn thành gần 3.900/4.558 ha rau xanh, trong đó, các loại giống chủ yếu là: rau cải các loại, hành lá, rau khoai lang, ngò… Không chỉ ở các địa phương có diện tích lớn, lợi thế sản xuất vùng tập trung lớn như: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà… mà ngay cả giữa TP Hà Tĩnh, bà con nông dân cũng tranh thủ các khoảng vườn nhỏ để làm rau, tăng thu nhập.
Bà Phan Thị Châu - thôn Đoài Thịnh, xã Thạch Trung dùng lưới che cho vườn rau lang, phòng dập nát khi có mưa.
Bà Phan Thị Châu - thôn Đoài Thịnh, xã Thạch Trung cho biết: “Bình thường, tôi chỉ làm một vài loại phục vụ gia đình là chính nhưng năm nay thị trường rau xanh thuận lợi nên tôi mở rộng diện tích sản xuất, che chắn bằng lưới kín để có sản lượng đưa ra các chợ địa phương. Tranh thủ thời gian thị trường còn thiếu hụt, tôi chỉ sản xuất các loại cây ngắn ngày như: cải mầm, cải ngọt; rau thơm các loại… để nhanh cho thu hoạch hơn, cũng nhằm giảm rủi ro nếu thời tiết xảy ra mưa rét”.
Trong khi đó, cây khoai lang không quá nhiều biến động, song diện tích sản xuất cũng đạt 1.314 ha, đạt 49% kế hoạch vụ đông năm nay.
Theo kế hoạch, thời vụ gieo trỉa trà ngô đông muộn - xuân sớm sẽ kết thúc vào ngày 10/12. Các địa phương cần theo dõi thời tiết, tranh thủ tối đa thời gian thuận lợi hoàn thành sản xuất đảm bảo khung thời vụ, nhất là không làm ảnh hưởng đến thời vụ lạc xuân 2022. Đồng thời, tiến hành chăm sóc, tỉa dặm các diện tích đã gieo trỉa. Đối với các loại rau, bà con cần quan tâm đầu tư, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất an toàn, sản xuất trong nhà màng để nâng cao tính ổn định sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội tìm kiếm thị trường tốt hơn.
Tin liên quan: