Theo đó, UBND tỉnh phân bổ nguồn ngân sách Trung ương là 748.969 triệu đồng (chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 34.552 triệu đồng; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: 12.007 triệu đồng; chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 702.410 triệu đồng); phân bổ nguồn ngân sách tỉnh là 211.000 triệu đồng, để thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Người nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng ưu đãi.
Mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2022 - 2025 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 2%; giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2022 - 2025 là 0,6%; số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là 13; số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 3; số huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là 1; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%; tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao đạt 50,3%; tỷ lệ xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu đạt 9,9%.
Về tổ chức thực hiện, Văn phòng UBND tỉnh (Cơ quan thường trực Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đân tộc thiểu số và miền núi) căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và mức vốn được giao, hướng dẫn UBND huyện Hương Khê và UBND các xã: Hương Vĩnh, Hương Liên xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch theo đúng các nội dung quy định của chương trình nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm tổng hợp nhu cầu kế hoạch hằng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo UBND tỉnh theo nội dung, thời gian quy định của Luật Đầu tư công và quy định của chương trình.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Cơ quan thường trực Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, danh mục và mức vốn được giao, xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình giai đoạn 2022-2025 và hằng năm; chịu trách nhiệm báo cáo, tổng hợp nhu cầu kế hoạch hằng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh theo nội dung và thời gian quy định của Luật Đầu tư công và của chương trình.
Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh (Cơ quan thường trực Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới) đôn đốc các địa phương, đơn vị xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch theo đúng các nội dung quy định của chương trình và mức vốn được giao trong kế hoạch giai đoạn 2022-2025 và hằng năm nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, đề xuất danh mục đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định; chịu trách nhiệm báo cáo, tổng hợp nhu cầu kế hoạch hằng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh theo nội dung, thời gian quy định của Luật Đầu tư công và quy định của chương trình.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm báo cáo, đăng ký kế hoạch đầu tư giai đoạn 2022-2025 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với các bộ, ngành Trung ương theo quy định; căn cứ hạn mức kế hoạch vốn đầu tư hằng năm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo và tình hình triển khai của các địa phương, đơn vị, rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ chi tiết kế hoạch vốn hằng năm cho các địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện; phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp danh mục đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch theo đúng các nội dung quy định của chương trình; hằng năm, đôn đốc các địa phương, đơn vị được giao sử dụng vốn khẩn trương thanh, quyết toán nguồn vốn ngay khi có khối lượng hoàn thành.
UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn UBND cấp xã lập kế hoạch, xây dựng lộ trình thực hiện kế hoạch chi tiết đến danh mục công trình. Nội dung và mức hỗ trợ ngân sách Trung ương thực hiện theo quy định của các chương trình tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022, Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc triển khai tại cấp xã, không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản.
Chủ động cân đối bố trí ngân sách cấp huyện, lồng ghép với ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và huy động tối đa nguồn lực tài chính hợp pháp khác để thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung hỗ trợ. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan trong việc quản lý, triển khai thực hiện nguồn vốn được phân bổ; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo đúng quy định hiện hành.
UBND các huyện Kỳ Anh, Hương Khê căn cứ quy định tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 75/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh và Đề án huyện nông thôn mới đã duyệt xây dựng lộ trình thực hiện kế hoạch phù hợp với mức vốn được giao; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo đúng quy định hiện hành.
Phụ lục kế hoạch vốn các chương trình MTQG xem tại đây.