Mục tiêu chung của kế hoạch là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Mỗi người dân tại khu dân cư thông minh thôn Tam Đồng (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên) phấn đấu trở thành một công dân số bằng cách sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh, phục vụ tốt hơn cho đời sống và sản xuất.
Cụ thể mục tiêu đến năm 2025 đối với phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới là: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Có 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025; ít nhất 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025.
Có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2022-2025; ít nhất 30% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 30% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2022-2025.
Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
Đối với phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, đến năm 2025, có ít nhất 70% xã có hợp tác xã tham gia mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Đối với xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, đến năm 2025, có ít nhất 40% đơn vị (xã, cấp huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.
Hà Tĩnh cũng phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 20 mô hình thôn thông minh đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 9/12/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025; phấn đấu có ít nhất 4 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…).
Các nhiệm vụ được tập trung triển khai gồm: tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng thí điểm một số mô hình chuyển đổi số gắn với xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện cơ chế, chính sách; tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình và xây dựng thí điểm các mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới...
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, tích cực triển khai, thực hiện kế hoạch này, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; định kỳ hàng quý (trước ngày 15 của tháng cuối quý), hằng năm (trước ngày 15/12) và giai đoạn báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở NN&PTNT) để tổng hợp, chỉ đạo. |