Nhờ tuyên truyền, vận động tích cực, hiện các rặng cây ở khu vực người dân Thịnh Lộc thường bẫy chim di cư vẫn đang yên ắng.
Từ bao đời nay, người dân xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) đã có “truyền thống” đánh bắt chim di cư, bắt đầu từ tháng 8 (âm lịch) năm nay đến tháng 3 (âm lịch) năm sau. Qua bao thế hệ, nhiều gia đình nơi đây luôn xem đánh bắt chim trời là nghề mưu sinh.
Do vậy, tình trạng đánh bắt chim di cư ở Thịnh Lộc các năm trước diễn ra khá tràn lan, quy mô lớn, với phương thức tận diệt, việc dẹp bỏ gặp nhiều khó khăn... Thế nhưng, năm nay nơi đây tình hình đang yên ắng.
Các lực lượng chức năng ở Lộc Hà truy quét, thu giữ chim mồi để thả về tự nhiên và tiêu hủy các dụng cụ đánh bắt chim di cư...
Ông Nguyễn Khắc Phong - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Hơn 2 tháng qua, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, các cuộc họp thôn, các buổi sinh hoạt đoàn thể, thậm chí đến từng nhà để tuyên truyền, vận động. Cùng với đó bố trí lực lượng công an, dân quân tham gia cùng kiểm lâm, công an huyện, bộ đội biên phòng kiểm tra địa bàn, xóa bỏ lùm đơm, tiêu hủy mồi giả, thả chim mồi, kiểm tra việc buôn bán chim trời tại chợ...
Nhờ vậy, các điểm đơm bẫy chim đã giảm khoảng 90% so với các năm trước, những điểm quy mô lớn đã xóa bỏ hết, chỉ còn một số hộ có dấu hiệu hoạt động lén lút, quy mô nhỏ. Để bảo vệ các đàn chim trong mùa mưa bão, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, nhắc nhở, phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý hiệu quả”.
Lực lượng chức năng huyện Đức Thọ thu gom lưới bẫy chim hoang dã, chim di cư tại xã Tân Dân
Cũng như ở Thịnh Lộc, các địa phương ở Lộc Hà đều đang chung tay hành động vì mục tiêu đảm bảo an toàn cho các đàn chim.
Ông Nguyễn Xuân Mận - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà cho hay: “Ngoài tập trung tuyên truyền, nhắc nhở chúng tôi cũng đã tham mưu cho Huyện ủy và UBND huyện Lộc Hà ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, phòng ngành vào cuộc nhằm chấn chỉnh tình trạng đánh bắt chim trời. Đặc biệt, trong 2 tuần qua, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng, ra quân 7 lần, tiêu hủy 170 cò xốp, 1.330 cây nhạ, thả 26 con chim mồi, phá 10 lùm đơm..."
Lực lượng kiểm lâm địa bàn và công an xã thu hồi, tiêu hủy chim mồi giả trên các cánh đồng xã Cương Gián.
Cánh đồng gần 100 ha của thôn Song Nam, xã Cương Gián (Nghi Xuân) trước đây được coi là vùng “tử địa” của các loài chim di cư với vô vàn “thiên la địa võng”. Hàng năm, cứ bắt đầu vào mùa chim di cư thì khu vực này lại rậm rịch bất thường. Thế nhưng, hiện nay lại vắng bóng chim mồi, lùm đơm, lán nấp...
Ông Trần Thanh Tường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân cho hay: “Thời gian này, chúng tôi đang tập trung phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân ký cam kết về việc không đánh bắt chim trời, thông tin cho người dân những quy định mới liên quan vấn đề này. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tổ chức ra quân kiểm tra, ngăn chặn tình trạng săn bắt chim di cư; đến nay đã phá bỏ 10 lùm trú, tiêu hủy 200 mồi giả, 5.000 cây nhạ...”.
Đốt bỏ các lán tạm, lùm đơm chim tại các rừng phi lao ven biển Nghi Xuân.
Mùa chim di cư tránh mưa bão đang đến gần, hoạt động, biện pháp bảo vệ các đàn cò, cói, vạc, chèo bẻo, vàng anh, hoét, dạt... đang được các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp gấp rút triển khai.
Không chỉ ở Lộc Hà, Nghi Xuân mà ở tất cả các xã ven biển nằm ở đầu luồng chim di cư từ biển vào đất liền thuộc các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh... đều tập trung vào cuộc. Tại các cánh rừng bao quanh vùng lòng hồ lớn, có lượng chim di cư trú ngụ đông như: Ngàn Trươi – Cẩm Trang, Kẻ Gỗ, Sông Trí... cũng được chủ rừng và các lực lượng chức năng hết sức quan tâm.
Kiểm lâm huyện Nghi Xuân xóa bỏ các điểm đơm bẫy chim tự nhiên ở các xã ven biển.
Ông Nguyễn Cự Duẩn – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Pháp chế - Thanh tra (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) thông tin: “Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành để quán triệt nghiêm túc các văn bản, quy định có liên quan.
Cùng với đó, toàn lực lượng đã chủ động triển khai sâu rộng, đồng bộ, liên tục các biện pháp, giải pháp từ nâng cao nhận thức đến ngăn chặn đánh bắt, trực tiếp răn đe, kiểm soát tiêu thụ (chợ, nhà hàng)... để hướng tới mục tiêu bảo vệ an toàn cho các loài chim di cư".
Các bãi đơm chim ven biển Thạch Hải (huyện Thạch Hà) yên ắng trước mùa chim di cư.
“Trong 2 năm 2020 - 2021, toàn tỉnh đã tổ chức được 929 cuộc kiểm tra, truy quét để thả 1.702 con chim mồi còn sống về môi trường tự nhiên; tiêu hủy 24.545 chim mồi giả, 135.884 cây nhạ, 48 máy phát tín hiệu gọi chim, 21.701m lưới, 300 kg nhạ; tháo dỡ gần 700 lùm ẩn nấp...
Từ đầu năm 2022 lại nay, các địa phương đã tổ chức 32 cuộc kiểm tra, truy quét để thả hàng trăm con chim mồi và tiêu hủy 779 chim giả, 7.382 cây nhạ, 21 loa phát tín hiệu gọi chim, 2.400m lưới, tháo dỡ 25 lùm ẩn nấp...”, ông Nguyễn Cự Duẩn cho biết thêm.