Vụ hè thu 2024 tại Hà Tĩnh được dự báo sẽ đối mặt với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Để đảm bảo sản xuất “ăn chắc”, né tránh thiên tai, cơ quan chuyên môn bố trí cơ cấu giống, lịch thời vụ phù hợp; chỉ đạo, hướng dẫn người dân sử dụng nhóm giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày (dưới 110 ngày), đối với giống có thời gian sinh trưởng 105 - 110 ngày phải tiến hành bắc mạ cấy đảm bảo đúng kỹ thuật, tiến độ đề án. Toàn tỉnh thực hiện gieo cấy trên 44.000 ha lúa.
Trên cơ sở đề án sản xuất của tỉnh, các công ty, đại lý phân phối lớn đã chủ động cung ứng nguồn giống chất lượng cho bà con nông dân trên địa bàn theo hợp đồng đã ký kết với các địa phương.
Thời điểm này, Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI đang liên tục điều chuyển hàng về các đại lý và địa phương trên địa bàn tỉnh. Anh Nguyễn Ngọc Hoàn - Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI (Chi nhánh miền Trung) cho biết: “Dự kiến, vụ hè thu, công ty cung ứng tại thị trường Hà Tĩnh trên 50 - 70 tấn lúa giống, chủ yếu là giống ADI 168, Hana số 7, ADI 28,… Doanh nghiệp tiếp tục bình ổn giá lúa giống bằng vụ xuân 2024 và chú trọng kiểm soát chất lượng khi đưa sản phẩm ra thị trường; tiếp tục kết nối bao tiêu cho bà con nông dân đối với giống lúa Hana số 7".
Ngoài ra, nhiều loại phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng được các doanh nghiệp, đại lý cấp 1, cấp 2, cửa hàng kinh doanh nhập về số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Riêng đối với mặt hàng phân bón, ước tính, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh cần trên 30.000 tấn phân bón các loại.
Ông Võ Thanh Hải - Giám đốc Công ty TNHH Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Hà Tĩnh cho biết: “Vụ hè thu, công ty có kế hoạch cung ứng ra thị trường từ 500 - 700 tấn phân bón Việt Nhật. Vào thời điểm này, các loại phân bón đã được bố trí chuyển về các đại lý để kịp thời phục vụ bà con nông dân vào vụ sản xuất. Doanh nghiệp cũng chủ động hướng dẫn để bà con sử dụng phân bón cân đối theo đúng chu kỳ, đảm bảo tăng năng suất và chất lượng lúa cuối vụ”.
Ngoài các kênh phân phối bán lẻ, nhằm hỗ trợ nông dân khó khăn được mua phân bón chất lượng, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) cũng tiến hành cung ứng hơn 350 tấn phân bón, chủ yếu tập trung ở các địa phương như Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên,… và dự kiến sẽ cung ứng hơn 500 tấn phân bón trong vụ hè thu.
Theo ghi nhận, nhu cầu thị trường đã sôi động ngay từ giữa tháng 5 vì thời vụ gieo cấy hè thu diễn ra trong thời gian ngắn. Bà Phan Thị Lan (xã Mai Phụ, Lộc Hà) cho biết: "Nguồn cung về giống, phân bón phục vụ sản xuất hè thu khá dồi dào và chất lượng nên chúng tôi có nhiều lựa chọn. Giá phân bón đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái cũng là điều đáng mừng cho bà con nông dân”.
Để đảm bảo vụ sản xuất thắng lợi, hiện nay, Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản vụ hè thu. Hiện nay, đoàn đang tập trung kiểm tra, quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng, chủng loại, cơ cấu và giá đầu vào đối với các giống lúa sản xuất, cung ứng trên địa bàn. Đoàn đã lấy 18 mẫu giống lúa được kinh doanh trên thị trường gửi ra các phòng kiểm nghiệm để phân tích các chỉ tiêu chất lượng. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở, người dân không kinh doanh, sử dụng các giống lúa ngoài cơ cấu của tỉnh.
Đoàn cũng sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra, kiểm soát các loại thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV, chất lượng phân bón, việc niêm yết giá ở các đại lý cấp 1, cấp 2, cửa hàng vật tư nông nghiệp ở 13/13 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Tùng Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) cho biết: “Hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu vẫn là cơ sở nhỏ lẻ nên việc kiểm soát các loại thuốc ngoài danh mục của Bộ NN&PTNT, bán hàng giả, hàng kém chất lượng… vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa. Vì thế, ngoài sự kiểm soát của ngành chuyên môn, các địa phương cần nâng cao công tác quản lý tại cơ sở, chủ động phối hợp ngăn chặn những nguy cơ về giống, thuốc giả, phân bón kém chất lượng trà trộn vào thị trường.
Đối với người dân, cần mua các loại giống, vật tư nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh cố định, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, hợp pháp, được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”.