Sáng 24/9, đoàn công tác tỉnh Hà Giang do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh dẫn đầu có buổi tham quan và làm việc về kết nối tiêu thụ sản phẩm cam Hà Giang tại thị trường Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì tiếp và làm việc với đoàn. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh đã thông tin đến đại biểu một số nét tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội; vấn đề sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực, trong đó có cam, bưởi, chương trình OCOP.
Đối với Hà Tĩnh, đến thời điểm này, diện tích trồng cam, bưởi đạt gần 10.000 ha. Năm 2020, sản lượng bưởi của tỉnh ước đạt 26.500 tấn, cam ước đạt 42.000 tấn. Sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa trình bày quá trình xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cây có múi của Hà Tĩnh.
Địa phương còn nổi tiếng với các thương hiệu cam như: Khe Mây, Thượng Lộc, cam bù Hương Sơn… Cùng với đó, Hà Tĩnh có 72 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (3 sản phẩm 4 sao, 69 sản phẩm 3 sao).
Đoàn công tác tỉnh Hà Giang
Hà Tĩnh cũng đã ban hành và triển khai chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 – 2020, trong đó quy định các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Giang Trần Việt Thế thông tin về tình hình sản xuất cam sành Hà Giang.
Về phía tỉnh Hà Giang, toàn tỉnh có 6 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp chỉ dẫn địa lý (chỉ dẫn địa lý “Xín Mần” cho sản phẩm gạo tẻ Già Dui, chỉ dẫn địa lý “Quản Bạ” cho sản phẩm hồng không hạt, chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong bạc hà, chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm chè Shantuyết, cam sành, thịt bò).
Đối với chương trình OCOP, tỉnh có 82 sản phẩm đạt 3 sao, 36 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm đạt 5 sao.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang Phùng Viết Vinh mong muốn được trao đổi thêm về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất cây cam.
Hiện nay, diện dích cam sành của Hà Giang đạt hơn 6.800ha (diện tích cho thu hoạch trên 5.400ha, chiếm hơn 80%), sản lượng đạt hơn 63.000 tấn, được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp chỉ dẫn địa lý.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh Nguyễn Huy Trọng chia sẻ một số giải pháp phát triển cây cam bền vững.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về tăng cường xúc tiến thương mại giữa 2 tỉnh để giới thiệu sản phẩm chủ lực của địa phương; kinh nghiệm phát triển và mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học kỹ thuật, chế độ chăm sóc để nâng cao sản xuất cây có múi như cam, bưởi; các chính sách hỗ trợ của Hà Tĩnh đối với phát triển nông nghiệp…
Đồng thời, tỉnh bạn mong muốn thời gian tới, Hà Tĩnh hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm cam Hà Giang, thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, thường xuyên trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm và hợp tác trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu chọn giống đến quản lý chất lượng sau thu hoạch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Sở KH&CN tiếp tục có những trao đổi, kết nối trong quá trình phát triển sản xuất, mở rộng thị trường giữa hai tỉnh.
Đối với những đề xuất của tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương có báo cáo cụ thể các nội dung đã làm việc trong chuyến công tác này, tham mưu với UBND tỉnh chương trình để hỗ trợ Hà Giang trong kết nối, tìm kiếm thị trường, xây dựng điểm bày bán cho sản phẩm cam sành phù hợp với các điều kiện của địa phương.
Trước đó, đoàn công tác tỉnh Hà Giang đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ TNXP toàn quốc, nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sỹ TNXP trong cả nước và dâng hương tại khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ TNXP Ngã ba Đồng Lộc.
…và tham quan mô hình sản xuất cam, bưởi của HTX Tân Phương Đông (Can Lộc)...
…các sản phẩm OCOP được trưng bày tại Công ty Cổ phần Ced Central.