Kết quả nổi bật
Số trẻ được sinh ra trong năm 2022 tại Hà Tĩnh là 13.350 cháu, giảm 2.182 cháu so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 4.564 cháu được sinh ra là con thứ 3 năm 2022 tương ứng tỷ lệ sinh trên 2 con là 34,19%, giảm 0,39% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, ngành dân số duy trì trở lại các hoạt động nâng cao chất lượng dân số.
Tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 là 110,14 bé trai/100 bé gái, giảm 5,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) mới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 37.274 người, đạt 98,09% chỉ tiêu được giao năm 2022.
Số trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh là 5.892 trẻ, đạt 44,1%, vượt 6,1% chỉ tiêu Bộ Y tế giao năm 2022; số bà mẹ mang thai được siêu âm sàng lọc là 9.946 ca, đạt 74,5% số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, vượt 22,5% chỉ tiêu Bộ Y tế giao.
Các địa phương đồng loạt triển khai các chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Giải pháp, hành động
Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, đặc biệt là Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Chương trình hành động số 955 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 21; Nghị quyết số 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030 đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, tập trung nội dung tuyên truyền chính sách dân số và phát triển - đây là một trong những giải pháp then chốt, cần đi trước một bước.
Kiện toàn bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất.
Hoạt động sàng lọc trước sinh, sơ sinh được triển khai trên toàn tỉnh.
Xác định rõ mục tiêu dài hạn và ngắn hạn theo thứ tự ưu tiên để giao chỉ tiêu và bố trí ngân sách tương ứng cho công tác dân số theo quy định của Nghị quyết số 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh - tối thiểu 0,15% tổng chi ngân sách thường xuyên ở mỗi cấp.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số, tích cực huy động sự đóng góp của toàn xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ tích cực, tham gia có hiệu quả công tác này.