Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký ban hành văn bản chỉ đạo tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo tổng hợp của Cục Thú y, từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước có 44 xã của 13 tỉnh, thành phố đã có dịch lở mồm long móng gia súc; 146 ổ dịch bệnh dại tại 34 tỉnh, thành phố (ghi nhận 44 người tử vong do bệnh dại); 68 ổ dịch viêm da nổi cục tại 10 tỉnh; 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 7 tỉnh (1 người nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H5N1, tử vong). Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 468 xã thuộc 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu huỷ 22.011 con lợn, trong đó dịch bệnh xảy ra trầm trọng và dai dẳng tại một số địa phương; cả nước còn 247 ổ dịch thuộc 68 huyện ở 21 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, dịch viêm da nổi cục xảy ra tại 17 xã thuộc 5 huyện làm 20 con bò mắc bệnh chết, phải tiêu hủy; dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 10 xã thuộc 3 huyện làm 87 con lợn mắc bệnh chết, phải tiêu hủy (hiện còn 2 xã tại huyện Cẩm Xuyên đang có dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày).
Trước tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các tỉnh, thành phố và tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; thực hiện Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ; xét đề nghị của Sở NN&PTNT tại Văn bản số 1959/SNN-CNTY ngày 20/6/2024, Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành liên quan tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo, nhất là các chương trình, kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của Trung ương, của tỉnh.
Cụ thể, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo huy động các nguồn lực hợp pháp trên địa bàn tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch; phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh đến tận thôn xóm, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch trong diện hẹp, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2024 của địa phương đảm bảo kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tổ chức, triển khai tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện tại địa phương, nhất là đối với bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: bệnh dại, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tập trung xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; ngăn chặn nhập lậu, buôn bán vận chuyển, giết mổ trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Thực hiện nghiêm công tác giám sát, báo cáo dịch bệnh động vật định kỳ, đột xuất theo quy định. Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.
Giám đốc Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương; chủ động giám sát tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý dịch bệnh kịp thời.
Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định; phối hợp với các địa phương và các sở, ngành chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán vận chuyển, giết mổ trái phép động vật, sản phẩm động vật. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tham mưu, chuẩn bị nguồn vắc xin, hóa chất, vật tư, dụng cụ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.
Chủ trì rà soát, phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã đề xuất phương án kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp đảm bảo theo Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Theo dõi, tổng hợp tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo.
Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên thị trường theo quy định.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trong việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên tuyến biên giới; tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân khu vực biên giới trong công tác phòng, chống dịch và tác hại khi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc...
UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở NN&PTNT, các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu phương án kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp đảm bảo theo Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đảm bảo kịp thời, hiệu quả.