Hà Tĩnh: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

(Baohatinh.vn) - Ngành chức năng Hà Tĩnh đã xử phạt 72 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm với số tiền trên 76 triệu đồng trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022.

Ngày 15/4, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.

Ngay sau lễ phát động, đoàn liên ngành cấp tỉnh và các địa phương đã nhanh chóng triển khai công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, chấn chỉnh, xử lý cơ sở vi phạm.

Hà Tĩnh: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Đoàn liên ngành cấp tỉnh kiểm tra một cơ sở sản xuất kẹo cu đơ tại TP Hà Tĩnh.

Theo đó, đối với đoàn liên ngành cấp tỉnh, các lực lượng nòng cốt gồm: Thanh tra Sở Y tế, Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Công an tỉnh và Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm tại 13 huyện, thành phố, thị xã.

Bà Đào Thị Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ được giao, đoàn đã kiểm tra chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm của các cơ sở và việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm. Đoàn kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, vừa tạo sức răn đe vừa nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất, kinh doanh và chế biến”.

Hà Tĩnh: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Đoàn liên ngành cấp tỉnh kiểm tra việc chấp hành quy định ATVSTP tại Khách sạn BMC Hà Tĩnh.

Trong thời gian 1 tháng, đoàn liên ngành cấp tỉnh đã kiểm tra 126 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Đoàn đã phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 24 triệu đồng.

Cùng với cấp tỉnh là sự vào cuộc của lực lượng chức năng cấp huyện. Theo tổng hợp, trong 1 tháng hành động, các huyện, thị, thành phố đã phát hiện 37 cơ sở vi phạm với các lỗi chủ yếu như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, giấy khám sức khỏe nhân viên chưa làm kịp thời… Lực lượng chức năng đã xử phạt 22 cơ sở với số tiền trên 45 triệu đồng.

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng phòng Y tế huyện Lộc Hà cho biết: “Để tránh xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm, lực lượng chức năng của huyện thường xuyên duy trì việc kiểm tra, giám sát tại các cơ sở kinh doanh, chế biến. Ngoài việc phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, chúng tôi tập trung nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm để phục vụ tốt nhất”.

Hà Tĩnh: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Đoàn liên ngành huyện Lộc Hà kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bãi biển Xuân Hải thực hiện các quy định về ATVSTP.

Theo báo cáo từ Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022, lực lượng chức năng cấp tỉnh, huyện và xã đã tổ chức 223 đoàn, thanh tra, kiểm tra tại 3.378 cơ sở. Qua kiểm tra đã phát hiện 72 cơ sở vi phạm, phạt 36 cơ sở với số tiền trên 76 triệu đồng, buộc 3 cơ sở tiêu hủy các sản phẩm không đảm bảo.

Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ, góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nội dung và hình thức truyền thông, giáo dục về an toàn vệ sinh thực phẩm đã có sự đa dạng, kịp thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm".

Hà Tĩnh: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Đoàn liên ngành cấp tỉnh kiểm tra cơ sở chế biến sứa tại Lộc Hà.

Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh chia sẻ: “Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, việc xử phạt vi phạm hành chính tại tuyến cơ sở còn một số hạn chế, nhất là tỷ lệ xử phạt thấp (tuyến xã chỉ chiếm 32%, tuyến huyện là 59%), hình thức nhắc nhở còn chiếm tỷ lệ cao.

Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ còn tồn tại. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nghiên cứu xây dựng bộ máy quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm từ Trung ương đến địa phương theo hướng tập trung và thống nhất. Đồng thời, bố trí đủ phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ để phục vụ đắc lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm”.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.