Chủ tịch Đảng Dân chủ Hàn Quốc, ông Choi Jae-sung đã thông tin cho báo chí về 2 dự án chế tạo tàu sân bay cực mạnh mang theo tiêm kích tàng hình F-35 vừa được trình bày trước Ủy ban Quốc phòng quốc hội nước này.
Lựa chọn đầu tiên là một tàu sân bay 71.400 tấn với chiều dài 298 m, chiều rộng 75 m, chiều cao 29 m, mang theo thủy thủ và phi hành đoàn 1.340 người, trang bị 40 máy bay cánh cố định và 8 trực thăng.
Phương án thứ hai là tàu sân bay hạng trung có lượng giãn nước đầy tải 41.500 tấn với chiều dài 238 m, chiều rộng 62 m, chiều cao 28 m, số lượng nhân sự 720 người, mang theo 20 máy bay cánh cố định và 8 trực thăng.
Các bản thiết kế sơ bộ trên sẽ được quốc hội Hàn Quốc cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí như giá thành cũng như thời gian chế tạo để lựa chọn phương án tối ưu.
Tuy nhiên theo đánh giá từ giới chuyên môn thì phương án đầu tiên nhiều khả năng sẽ được lựa chọn bởi Hàn Quốc cần một phương tiện tác chiến vượt trội so với hai nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản.
Thiết kế của tàu sân bay Hàn Quốc có một số nét tương đồng về tháp chỉ huy với chiếc Queen Elizabeth của hải quân hoàng gia Anh nhưng nó sử dụng kết cấu sàn phẳng đi kèm máy phóng.
Như vậy tàu sân bay Hàn Quốc sẽ được trang bị phiên bản hải quân cất hạ cánh đường băng ngắn F-35C chứ không phải biến thể cất hạ cánh thẳng đứng F-35B như chiếc Izumo của Nhật Bản.
Tính năng kỹ chiến thuật của tiêm kích tàng hình F-35C cao cấp hơn F-35B khá nhiều, với số lượng 48 máy bay trực chiến sẽ giúp Hàn Quốc chiếm ưu thế lớn trước tàu sân bay Type 002 của Trung Quốc.
Năng lực của ngành đóng tàu Hàn Quốc hiện nay được nhận định nằm trong tốp đầu thế giới, nền kinh tế của họ cũng rất mạnh nên thời gian hoàn thành con tàu có lẽ chỉ trong vòng 5 năm.
Chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ giúp Hàn Quốc kiểm soát tốt hơn vùng biển tranh chấp với Nhật Bản cũng như khống chế khu vực tiếp giáp Trung Quốc và Triều Tiên.
Phong cách thiết kế của Hàn Quốc có một nét tương đồng với Nga và Nhật Bản, đó là ngoài máy bay thì họ sẽ tích hợp bệ phóng thẳng đứng Mk 41 cho con tàu để nó sử dụng được tên lửa tầm xa cho cả mục đích tự vệ lẫn tấn công.
Ngoài chiếc hàng không mẫu hạm còn đang nằm trên giấy, hải quân Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục đóng mới các tàu đổ bộ tấn công lớp Dokdo và hoán cải chúng thành tàu sân bay hạng nhẹ mang tiêm kích F-35B theo xu thế chung của thế giới.
Đây cũng được xem là ưu thế nữa của Hàn Quốc so với Trung Quốc, bởi tàu đổ bộ tấn công Type 075 mà Bắc Kinh vừa hạ thủy sẽ chỉ có trực thăng trực chiến do nước này chưa chế tạo được tiêm kích hạm tính năng như F-35B.
Dự án đầy tham vọng của hải quân Hàn Quốc theo đánh giá ngoài tác động lên Trung Quốc và Nhật Bản thì có thể sẽ khiến Nga phải hủy bỏ việc sớm loại biên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và xúc tiến chế tạo chiếc Lamantin.