Tôi choàng tỉnh. Những tia nắng lọt qua khe cửa sổ rọi vào tận giường, cạnh tôi, hai đứa trẻ vẫn đang say giấc. Tôi đứng dậy vươn vai, hít một hơi thật sâu. Không khí buổi sáng thật mát mẻ, dễ chịu. Trong nhà, mọi người đã dậy từ lúc nào. Chắc là thấy tôi đang ngủ ngon nên mẹ không nỡ đánh thức. Phải mấy năm rồi kể từ ngày đi lấy chồng, hôm nay, tôi mới có dịp về nhà ở lại qua đêm. Thật không đâu bằng nhà mình, quê mình, đơn sơ, mộc mạc mà bình yên đến lạ.
Con thơ bên mẹ hiền. Ảnh Internet
Tôi đến bên thành giếng, múc nước vào thau, từng vốc nước tạt vào mặt mát rượi. Làn nước trong xanh soi rõ khuôn mặt tôi và mấy cành cây vú sữa sum suê đang khẽ đung đưa trong gió.
Ngoài vườn, ánh nắng chênh chếch lọt qua những khe lá, tạo thành những vệt sáng nhảy múa trên nền đất. Tàu lá chuối khô trở mình trong làn gió thổi nhè nhẹ. Những chùm ổi đong đưa. Chú gà trống choai đang ra sức dùng đôi chân chắc khỏe bới đất tìm giun. Thấp thoáng trong mấy luống cà là dáng mẹ tôi lom khom nhổ cỏ. Trông thấy tôi, mẹ ngước nhìn, trong tay còn nguyên vạt cỏ:
- Cơm mẹ nấu sẵn, con ra rửa mặt mũi, chân tay rồi ăn đi nhé.
Mẹ tôi là thế. Con gái đã đi làm dâu xứ người bao năm nhưng trong mắt mẹ, tôi vẫn còn bé bỏng như thuở ấu thơ.
Mẹ tôi là dâu út trong một gia đình có đến bốn người con trai, tuy vậy, ông bà nội lại sống với gia đình tôi. Suốt mấy chục năm sống cảnh làm dâu, có nhiều lúc nét buồn vẫn phảng phất trên khuôn mặt mẹ, tuy nhiên, tôi chưa từng thấy mẹ than thở. Ngày tôi đi lấy chồng, trước lúc lên xe hoa, mẹ ghé tai tôi nói nhỏ “hãy cố gắng làm người vợ tốt, người con dâu hiếu thảo con nhé”. Rồi khóe mắt mẹ rưng rưng, tay kéo tà áo lên che, giọng nói như lạc đi.
Sống chung với bố mẹ chồng, sự vất vả như nhân lên gấp bội. Những ngày hè, sáng nào cũng thế, mẹ dậy thật sớm để chuẩn bị cho việc lên rừng kiếm một số loài cây dại về phơi khô để dành sang mùa đông sưởi ấm. Mẹ bảo, người già thường hay lạnh, phải có chất đốt trong mùa đông. Nhà tôi có cái ao chuôm ngay đầu ngõ, lắm hôm đi được một quãng, sực nhớ ra điều gì, mẹ lại trở về dặn dò ông bà thêm lần nữa. Khi mùa đông đến, tối tối, cả nhà tôi lại quây quần bên bếp lửa. Những cái xuýt xoa vì rét, những bàn tay xòe ra hơ hơ bên ngọn lửa, cái rét như len lỏi vào tận xương tủy. Tuổi thơ tôi cứ thế lớn lên trong những câu chuyện kể đều đều của bà, của mẹ bên bếp lửa tí tách, bập bùng.
Bao nhiêu bước chân nuôi con trường thành là bấy nhiêu giọt mồ hôi mẹ đổ xuống. Ảnh: Internet
Rồi năm học mới đến, để có sách vở, quần áo cho chúng tôi, đòn gánh như đè lên vai mẹ nhiều hơn. Nhìn chiếc đòn gánh cong vênh, biến dạng, bao nhiêu bước chân là bấy nhiêu giọt mồ hôi mẹ đổ xuống. Còn nhớ những buổi sáng, đoán chừng mẹ sắp đi chợ về, tôi lại ra bến sông đứng chờ, chốc chốc lại chạy lên con dốc nhìn, chỉ cần thấp thoáng dáng mẹ từ đằng xa là chạy ù tới ôm chầm lấy chân. Quà của mẹ hôm thì chiếc bánh đa vừng, hôm thì gói kẹo bột. Đó là những viên kẹo được làm từ mật mía, nấu đến lúc đặc quánh, xắt thành từng miếng, rắc thêm chút bột nếp, gói trong những mảnh lá chuối khô. Hình ảnh gói kẹo bột đã cùng tôi đi qua những năm tháng tuổi thơ, vị ngọt mát thanh dịu giờ đây vẫn như còn lưu lại nơi khóe miệng.
Mẹ tôi thường nói thương tôi nhất. Nhưng lạ thay, khi tôi có thêm em, mẹ lại bảo thương hai chị em nhất. Thương tôi vì gầy nhom, xanh lẻo, thương em vì là con trai sau này sẽ phải cáng đáng nhiều công việc gia đình. Vậy là, trong hai chị em đứa nào cũng được mẹ thương nhất mà không có thứ hai.
Mẹ tôi có một cách thương con đến lạ, dường như lúc nào mẹ cũng ôm khư khư chúng tôi như báu vật. Mẹ không cho chúng tôi đi đâu xa, mẹ luôn lo sợ những rủi ro rình rập, ngay đến nhà ông bà ngoại cách vài ba cây số mẹ cũng không muốn cho ngủ lại qua đêm. Mỗi lần như thế, tôi phải mè nheo, thậm chí là “ăn vạ” mẹ mới miễn cưỡng đồng ý. Cái tính trầm trầm, ít nói, nhút nhát của chị em tôi cũng một phần bắt nguồn từ đó.
Ngày tôi đậu đại học, mẹ rất vui nhưng cũng kể từ ngày đó, với mẹ, ngày như dài thêm ra, đêm thì ngắn lại, niềm vui xen lẫn nỗi lo âu. Mẹ xin thêm mấy sào ruộng khoán, nuôi thêm đàn lợn, đàn gà... quần lúc nào cũng ống cao, ống thấp, chân đi như không bám mặt đất. Những đêm đông giá buốt, mới ba, bốn giờ sáng khi mà mọi người đang say giấc trong chăn êm, nệm ấm thì mẹ tôi đã trở dậy, ra vườn rau cho kịp phiên chợ sáng. Bốn năm học của tôi, mẹ già đi trông thấy, bàn tay chai sạn hơn, đôi mắt cũng trũng sâu hơn.
Nhiều hôm vừa tan trường, nghe lanh lảnh đâu đây tiếng rao vặt, thấp thoáng dáng ai trong chiếc áo màu xanh hòa bình, tự nhủ với lòng mình không phải mẹ đâu nhưng tôi vẫn đuổi theo. Nỗi nhớ mẹ trào dâng da diết, muốn chạy thật nhanh về nhà mà gục đầu vào vai mẹ khóc cho thỏa bao nỗi niềm nhung nhớ. Tự hứa với lòng mình, lớn lên sẽ đỡ đần mẹ để bù đắp lại những tháng ngày mẹ tảo tần nắng mưa. Thế nhưng, giờ đây, khi đã có một gia đình nhỏ, tôi vẫn chưa thực hiện được hết lời hứa của mình. Chưa năm nào kể từ ngày đi lấy chồng, tôi về đón tết cùng mẹ. Mỗi khi tết đến xuân về, nhớ lại lúc cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng, cùng nhau chờ đợi giây phút giao thừa, thấy lòng sao trống trải thế.
Người mẹ chợ Gôi, xã Sơn Hòa, Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: Huy Tùng
Mẹ tôi giờ đã ngoài sáu mươi tuổi, tóc đã bạc nhiều, khuôn mặt dọc ngang những nếp nhăn vẫn chiều chiều ra đồng, ra vườn rau, sáng sáng cùng chiếc xe đạp đến chợ. Ngày ngày, mẹ vẫn hì hụi bên bếp củi dẫu đã có bếp ga từ mấy năm trước. Phận làm con không khỏi xót xa. Mẹ bảo, đời mẹ khổ nhiều rồi, như thế này có thấm tháp vào đâu. Có miếng gì ngon, mẹ cũng phải đợi cuối tuần chờ con cháu về cùng sum họp. Thỉnh thoảng vào thăm con, thăm cháu, chí ít cũng phải cầm thêm nắm rau sạch, nải chuối vườn hay mấy chục quả trứng gà...
Vòng xoáy cuộc sống với nỗi lo cơm áo, con cái, gia đình... cuốn chúng ta đi. Ngày lễ 8/3, 20/10 không về được với mẹ nhưng một cuộc điện thoại chúc mừng lắm lúc chúng ta cũng ngập ngừng không dám nói. Dẫu biết rằng, trong thế giới rộng lớn này, không ai thay thế được mẹ. Tôi bỗng nhớ đến một câu nói của ai đó “người cho chúng ta nhiều nhất và cũng là người chúng ta mắc nợ nhiều nhất đó là mẹ ta”.
Tháng bảy về, một mùa Vu lan nữa lại tới là dịp nhắc nhở chúng ta hướng về cha mẹ, nhớ ơn sinh thành dưỡng dục. Lòng chợt nghĩ, với mẹ cha, nhiều lúc, chỉ giản đơn là được thấy con cái sum vầy vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết, cả gia đình quây quần bên mâm cơm. Đừng để đến lúc chỉ còn là bát hương trên bàn thờ nghi ngút khói hay nấm mồ xanh cỏ, chúng ta mới giật mình “không còn mẹ nữa” mới khát khao dù chỉ một lần được nhìn thấy bóng dáng mẹ, được nghe tiếng nói của mẹ. Tôi cảm thấy xót xa khi đâu đây trong cuộc đời này vẫn còn cảnh bố mẹ và con cái không nhìn mặt nhau. Phận làm con, chúng ta nên chăng xử sự như thế?
- Hạnh ơi, sao không vào ăn cơm đi con, làm gì mà ngồi mãi thế?
- Dạ!
Tôi sực tỉnh sau câu nói của mẹ. Bước vào nhà, cái lồng bàn vẫn úp gọn trên mâm cơm, lòng vui mà không hiểu sao lại rơi nước mắt. Ước gì mẹ mãi bên cạnh, bởi với tôi hạnh phúc là có mẹ mỗi ngày.