Kỷ niệm 114 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú 1/5 (1904-2018)
Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
Gió ngàn xanh đẫm mát nước sông La/ Tùng Ảnh thành tên từ bóng thông Tùng Lĩnh/ Hai mái núi hương thơm lừng linh hiển/ Phan Đình Phùng, Trần Phú ánh Tam Soa… Tôi muốn bắt đầu bài viết của mình bằng những câu thơ đã từng nghe trong phóng sự của Đài TT&TH Đức Thọ (Hà Tĩnh) chừng mươi năm về trước. Những câu thơ ấy như nét chạm khắc trong tâm khảm tôi để mỗi lần soi bóng Tùng Lĩnh, vương vấn Tam Soa, nghĩ về Tổng Bí thư Trần Phú, thi tứ ấy lại vang lên như thể gió reo trên đồi thông Quần Hội, như thể tiếng nước xuôi dòng trên bến vắng Tam Soa.
Đúng như tên gọi, Quần Hội (nơi an táng thi hài Tổng Bí thư Trần Phú) không chỉ là điểm đến của tuổi trẻ trên quê hương Tùng Ảnh mà còn là địa chỉ đỏ của nhiều đoàn tham quan từ khắp mọi miền đất nước. Anh Lê Doãn Thắng - Trưởng ban Quản lý Khu di tích Trần Phú cho biết: “Vào những dịp lễ tết, rất nhiều đoàn, cả người già và thanh thiếu niên đến đây để tưởng nhớ và tri ân công lao của Tổng Bí thư. Chúng tôi đã được chứng kiến cảm xúc của nhiều thế hệ, có người không kìm nén được nỗi xúc động”.
Tổng Bí thư Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Năm 1922, sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung do Trường Quốc học Huế tổ chức, Trần Phú vào dạy học tại Trường Cao Xuân Dục, TP Vinh.
Trần Phú đã sớm lĩnh hội ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin từ nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Luồng tư tưởng ấy đã hình thành lý tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đặt nền móng cho con đường cách mạng của Trần Phú.
Lòng yêu nước, tấm gương hy sinh của Tổng Bí thư Trần Phú là bài học sâu sắc cho các thế hệ cán bộ, đảng viên.
Ánh sáng của tư tưởng ấy đã dẫn dắt người con quê hương Tùng Ảnh đến các lớp huấn luyện lý luận cách mạng tại Quảng Châu, Đại học Phương Đông… Trần Phú, từ một trí thức đã sớm trở thành người cộng sản ưu tú. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10/1930), Luận cương chính trị do Trần Phú soạn thảo đã được thông qua. Trọng trách Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cũng đã được giao cho người con xuất sắc của đất Tùng Ảnh – Đức Thọ. Đó là niềm tự hào lớn của cả quê hương, đất nước.
Ngày nay, tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú và Khu di tích Trần Phú vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng, nhiều câu chuyện xúc động về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của cố Tổng Bí thư. Nhờ vậy, mỗi đoàn khách đến đây đều cảm nhận được những phẩm chất của bậc hiền tài; từ đó, càng thấm nhuần sâu sắc bài học lịch sử để nuôi dưỡng tâm trí, nỗ lực hơn nữa trong xây dựng đất nước, quê hương.
Trên quê hương Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu
Chị Bùi Thị Huyền (xã Thuần Thiện, Can Lộc) cho biết: “Tôi đã đến Khu di tích Trần Phú khá nhiều lần và mỗi lần lại thu nhận được nhiều giá trị khác nhau. Tấm gương hy sinh, lòng yêu nước, yêu thương đồng bào của Tổng Bí thư Trần Phú luôn là bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ. Chúng tôi có trách nhiệm phải ghi nhớ công ơn ấy và tri ân bằng những hành động thiết thực trong học tập, lao động nhằm góp sức xây dựng quê hương”.
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”, lời dạy của Tổng Bí thư vẫn còn nguyên tính thời sự, vẫn luôn được coi là phương châm, lý tưởng sống, ý chí quyết tâm, phấn đấu, cống hiến của các thế hệ tiếp nối.