Tổng vốn đầu tư, giá trị giải ngân vốn cao hơn cùng kỳ
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ hồi tháng 10/2020 về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và dự kiến kế hoạch năm 2021 tỉnh Hà Tĩnh trình bày tại kỳ họp lần này cho thấy hai con số đáng mừng trong bức tranh đầu tư công trên địa bàn.
Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 ước đạt 26.393 tỷ đồng, bằng 72,13% kế hoạch, tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 11 tháng đạt 6.606 tỷ đồng, bằng 74,8% kế hoạch, tăng 26,3% so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước ước đạt 71,4% kế hoạch). Trong đó, nguồn vốn do địa phương quản lý giải ngân 11 tháng đạt 6.074 tỷ đồng, bằng 75,7% kế hoạch, tăng 21% so với cùng kỳ.
Cầu Thọ Tường (huyện Đức Thọ) là công trình sử dụng ngân sách địa phương được xây dựng hoàn thành trong năm 2020.
Đạt được tỷ lệ và tốc độ tăng như trên trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 là kết quả tích cực; phản ánh các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SKKD, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư của Chính phủ và các cấp, ngành đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần vào việc phục hồi phát triển kinh tế và ổn định đời sống xã hội trong tình hình mới.
Các giải pháp giải ngân vốn đầu tư góp phần phục hồi phát triển kinh tế và ổn định đời sống xã hội trong tình hình mới.
Tuy vậy, phân tích sâu về tình hình thực hiện và giải ngân các nguồn vốn cho thấy gần như vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Cụ thể: vốn hỗ trợ mục tiêu từ ngân sách Trung ương giải ngân đạt 1.129 tỷ đồng, bằng 66,8% kế hoạch; vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 11 tháng đạt 448 tỷ đồng, bằng 68,4% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA) giải ngân đạt 664 tỷ đồng, bằng 61,2% kế hoạch...
Quy trình, thủ tục; GPMB... vẫn “cản” tỉ lệ giải ngân
Phân tích những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch đầu tư công 2020, báo cáo chỉ ra các nhóm vấn đề gồm: khả năng cân đối nguồn lực hạn chế trong điều kiện nhu cầu lớn, nguồn lực có hạn; quy trình, thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian; công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, tiến độ chậm chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ triển khai các dự án...
Thi công dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi Hói Sóc - Cầu Nậy ở Cẩm Xuyên có tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo quy định chuyển tiếp của Luật Đầu tư công, các dự án thuộc kế hoạch năm 2020 vẫn đang được giải ngân trong 2 năm nên các chủ đầu tư vẫn còn tâm lý quen tập trung thanh toán vào các tháng cuối năm, nhất là đối với các công trình quy mô nhỏ, tổng mức đầu tư thấp.
Báo cáo cũng làm rõ các nguyên nhân ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, quy định hiện hành về quản lý vốn đầu tư đang được phân nhóm với nhiều nguồn vốn dẫn đến tính chủ động trong việc điều hành, lồng ghép và tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển còn bị hạn chế.
Kế hoạch vốn đầu tư không được giao tập trung ngay từ đầu năm mà thực hiện xuyên suốt trong cả năm kế hoạch; nhiều nguồn vốn đến cuối kỳ mới được thông báo và giao kế hoạch vốn, dẫn đến các đơn vị, địa phương bị động trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng, đoạn Thịnh Lộc (Lộc Hà) - Cương Gián (Nghi Xuân) đã thông xe đầu năm 2020.
Phương thức giải ngân vốn đầu tư công khác cơ bản so với giải ngân vốn thường xuyên, phải có khối lượng mới có thể làm thủ tục thanh toán trong khi đặc thù của hoạt động đầu tư là cả một quá trình thực hiện và tích lũy giá trị khối lượng thực hiện mới có thể thực hiện các thủ tục giải ngân
Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư có lúc chưa hiệu quả trong việc xử lý các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Diễn biến thời tiết phức tạp, đặc biệt là đợt lũ lụt cuối tháng 10 vừa qua đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công các dự án, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi,…
Trao quyền để địa phương chủ động bố trí vốn năm 2021
Việc triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 tập trung ưu tiên những nhóm nhiệm vụ sau: Thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, 5 chương trình trọng điểm và 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về đầu tư công; đảm bảo cân đối đủ nguồn lực để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách của địa phương trong năm 2021.
Dự kiến tổng nguồn vốn cho đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2021 đạt khoảng 31.000 tỷ đồng, tăng 18,47% so với ước thực hiện năm 2020. Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước (chưa bao gồm vốn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình MTQG) dự kiến đưa vào phân bổ trong kế hoạch năm 2021 là 7.221,612 tỷ đồng.
Để phù hợp với căn cứ pháp lý và tình hình thực tiễn, tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định tờ trình về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, phương án dự kiến phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2021 phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 và năm 2021, các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và xã hội.
Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh đang được tập trung thi công.
Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp quản lý nguồn vốn gắn với phân cấp quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương và gắn trách nhiệm toàn diện theo phân cấp.
Với quan điểm phân cấp triệt để cho các địa phương trong quản lý đầu tư công, tháng 2/2020, UBND tỉnh đã ban hành quy định về phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn. Theo đó, cấp huyện, cấp xã được phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với các dự án sử dụng ngân sách cấp tỉnh thuộc phân cấp quản lý công trình của cấp mình. Do vậy, việc vốn đầu tư công nguồn cân đối ngân sách địa phương được phân cấp quản lý cho các địa phương nhằm đảm bảo tính chủ động toàn diện cho địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển của cấp mình; đồng thời phù hợp với các nguyên tắc phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật. |
Phân bổ vốn đầu tư tập trung; không phân tán, dàn trải; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Dự án chuyển tiếp sử dụng nguồn vốn nào thì được tiếp tục ưu tiên cân đối bố trí để hoàn thành từ nguồn vốn đó. Chỉ giao kế hoạch vốn cho các dự án khởi công mới khi đã đầy đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.
Trong từng ngành, lĩnh vực và nguồn vốn, việc phân bổ kế hoạch đầu tư được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: Bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước theo quy định của Luật Đầu tư công (nếu có); bố trí đủ vốn còn thiếu của các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chuyển tiếp sang năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025;
Bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo tiến độ được phê duyệt; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư tính đến ngày 31/12/2020...