Mấy ngày qua, vùng rừng thông rộng 15 ha, thuộc Tiểu khu 146A, thị trấn Vũ Quang luôn có hàng chục cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Vũ Quang hăng say phát thực bì, làm đường băng cản lửa... “Rừng thông này là vùng trọng điểm dễ cháy nên hằng năm, các giải pháp PCCCR đều được tập trung thực hiện sớm. Những ngày qua, anh em đã tu sửa, làm mới được gần 5 km đường băng, sơn sửa hàng chục biển báo, biển tường...” - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ, cho hay.
Thực địa, xác định vùng có nguy cơ cháy cao để có phương án PCCCR phù hợp.
Được biết, ngoài việc xác định vùng có nguy cơ bị khai thác lâm sản cao, Vườn Quốc gia Vũ Quang còn xác định vùng nguy cơ cháy rừng cao thuộc lâm phận quản lý hơn 9.980 ha (Vũ Quang: 3.310 ha, Hương Sơn: 4.066 ha, Hương Khê: 2.606 ha). Theo anh Nguyễn Văn Thanh, cán bộ Kiểm lâm đơn vị, việc phân định từng vùng trọng điểm dựa trên tình hình thực tế để có các giải pháp phù hợp cho công tác bảo vệ rừng (BVR), PCCCR.
Rừng tự nhiên nhưng Vườn Quốc gia Vũ Quang ,Hà Tĩnh có gần 10.000 ha rừng nghèo, chủ yếu tre nứa, sát khu dân cư như Hương Quang, Hương Điền... nên dễ xảy ra cháy. Vì thế, ngay từ đầu mùa nắng nóng, đơn vị thành lập 13 tổ, đội xung kích PCCCR để ứng cứu kịp thời khi cháy rừng xảy ra. Việc tổ chức trực gác lửa rừng 24h/24h tại các vùng trọng điểm; bố trí chòi canh lửa ở các tiểu khu “nhạy cảm” trong những ngày nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao... đã có trong phương án của đơn vị.
Trạm Kiểm lâm Khe Cò (xã Hương Quang) - nơi được coi là vất vả, khó khăn nhất trong 11 trạm, đội của đơn vị, có 12 người nhưng quản lý, bảo vệ trên 23.000 ha rừng. Anh em ở đây cho biết, mùa nào cũng lo ngay ngáy. Mưa thì lo nạn chặt phá rừng, nắng thì lo cháy. Hiện nay, trạm đã và đang tích cực triển khai phương án PCCCR. Theo đó, ngoài ký kết phối hợp với chính quyền, Biên phòng, trường học trên địa bàn, trạm còn được bố trí máy thổi gió, cưa xăng và nhiều dụng cụ khác phục vụ cho công tác PCCCR.
Cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Vũ Quang ...
và đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện làm đường băng cản lửa, phát dọn thực bì tại Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Trạm Kiểm lâm Sao La từ khi có thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang, việc quản lý, BVR - PCCCR càng thêm nặng nề. Để làm tốt nhiệm vụ này, trạm phải bố trí thêm nguồn lực để phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, hằng ngày kiểm soát tàu, thuyền ra vào khu vực lòng hồ. Mùa nắng nóng, công tác này càng được trạm thắt chặt.
Đến thời điểm này, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã và đang trang bị, tu sửa hoàn chỉnh hệ thống biển báo, chòi canh, dụng cụ chữa cháy, làm mới 5,98km đường băng cản lửa... Ngoài ra, đơn vị còn bố trí 3 xe ô tô, 1 ô tô cẩu tự hành, 4 xuồng cao tốc và các phương tiện, dụng cụ khác… để trực sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Tổng kinh phí dự kiến phục vụ cho PCCCR năm 2018 của đơn vị là 900 triệu đồng.
"Vọng gác"... lửa rừng.
Đi cùng với đó, đơn vị còn tập trung nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Hiện, đơn vị đã tổ chức được 40 đợt tuyên truyền và ký cam kết về BVR – PCCCR cho hơn 3.000 hộ gia đình; duy trì 7 “Câu lạc bộ xanh” trong các trường học trên địa bàn, phối hợp với Đài phát thanh, truyền hình huyện xây dựng chuyên mục, phóng sự tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BVR - PCCCR...
Năm 2017, trên lâm phần Vườn Quốc gia Vũ Quang quản lý, bảo vệ không xảy ra vụ cháy rừng nào. Hy vọng với những giải pháp tích cực, năm 2018, Vườn Quốc gia Vũ Quang sẽ giữ vững được thành tích trên.