Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP Vinh, Nghệ An) nơi lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử cách mạng 1930-1931.
Các hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh chủ yếu thuộc vào giai đoạn đấu tranh của Nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh sau khi Đảng ra đời (ngày 3/2/1930).
Trong đó, rất nhiều hiện vật minh chứng cho tinh thần cách mạng kiên trung, bền bỉ của người dân Hà Tĩnh: những chiếc trống cổ động, lá cờ búa liềm, các cuốn hồi ký của chiến sỹ cộng sản…
Cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh giới thiệu về những chiếc trống - vũ khí đấu tranh cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
Cụm từ “Tiếng trống Xô viết” thường được nhắc đến như một biểu tượng cho phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh những năm đầu thế kỷ XX, trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
Bởi tại thời điểm đó, tiếng trống là hiệu lệnh giục giã, tập hợp quần chúng nhân dân vùng lên đấu tranh phá tan xiềng xích nô lệ. Tiếng trống vang lên nối tiếp nhau ở các miền quê đã tạo nên sự cộng hưởng, làm nên sức mạnh khiến quân thù khiếp sợ.
Chiếc trống của Nhân dân xã Thái Yên (nay là xã Thanh Bình Thịnh - Đức Thọ) dùng làm hiệu lệnh cổ vũ Nhân dân trong các cuộc biểu tình 1930-1931 trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đang lưu giữ nhiều chiếc trống cỡ lớn trong phong trào đấu tranh những năm 1930-1931 như: trống của làng Lộc Đa (xã Hưng Dũng - huyện Hưng Nguyên - Nghệ An); trống của Nhân dân xã Môn Sơn (huyện Con Cuông - Nghệ An); trống của Nhân dân xã Thái Yên (Đức Thọ - Hà Tĩnh)…
Trong đó, chiếc trống có đường kính 51 cm, chiều cao 72 cm, làm bằng chang gỗ và da bò của xã Thái Yên (nay là xã Thanh Bình Thịnh - Đức Thọ) là một trong những hiện vật được trưng bày trang trọng tại bảo tàng. Ngay sau khi Đảng ra đời, cùng với Nhân dân Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê…, Nhân dân Đức Thọ đã hưởng ứng phong trào cách mạng một cách mạnh mẽ.
Một góc trưng bày di ảnh và hiện vật của các chiến sỹ cộng sản chiến đấu trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ngày 10/9/1930, Nhân dân xã Thái Yên và xã Đức Thủy (nay là xã Lâm Trung Thủy) thống nhất nổi “tiếng trống” tổ chức cuộc biểu tình thị uy trước sự áp bức của thực dân, phong kiến. Từ đây, Thái Yên được chọn làm nơi tập hợp các lực lượng yêu nước, tham gia cách mạng, mở đầu cao trào cách mạng tại Đức Thọ. Ngày 1/2/1931, tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu, thôn Thái Yên, Chi bộ Đảng Cộng sản xã Quang Chiêm được thành lập và đặt tên là Chi bộ Thái Yên gồm 6 đảng viên.
Sau khi chi bộ Đảng ra đời, các tổ chức quần chúng cách mạng tại đây cũng nhanh chóng được thành lập như: Hội Phụ nữ, Hội Nông hội đỏ, Đội tự vệ đỏ với 280 đội viên biên chế thành một đại đội, được phân thành 4 trung đội, trong đó có “Trung đội cảm tử quân”; Đoàn Thanh niên cứu quốc với 250 thanh niên.
Tháng 3/1931, Thái Yên là 1/170 làng trên toàn tỉnh Hà Tĩnh được Đảng bộ tỉnh công nhận làng Xô viết. Phong trào Xô viết 1930-1931 ở xã Thái Yên giành được nhiều thắng lợi, có sự đóng góp của tiếng trống hiệu triệu, giục giã người dân cùng đoàn kết, vùng lên đấu tranh.
Lá cờ búa liềm của Nhân dân huyện Can Lộc sử dụng trong các cuộc đấu tranh 1930-1931 lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Một trong những hiện vật đại diện cho “linh hồn” phong trào đấu tranh cách mạng những năm 1930-1945 là lá cờ đỏ búa liềm. Tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Hà Tĩnh đang lưu giữ nhiều lá cờ của một số địa phương, thời điểm đầu của phong trào cách mạng như: lá cờ của Đội Xích vệ đỏ xã Đức Dũng (nay là xã An Dũng, Đức Thọ), cờ của Nhân dân huyện Can Lộc sử dụng trong các cuộc đấu tranh năm 1930-1931…
Đáng nói, trong số đó có lá cờ dùng trong các cuộc hội họp của tổ chức Đảng, đấu tranh biểu tình trong cao trào Xô viết của Nhân dân Hương Khê những năm 1930-1931, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Lá cờ có chiều rộng khoảng 45 cm, dài 65 cm, nền màu đỏ, giữa có biểu tượng búa liềm màu vàng, phía trên có dòng chữ “Đông Dương Cộng sản Đảng” bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán.
Từ trái qua phải và trên xuống: Lá cờ búa liềm của Nhân dân Hương Khê dùng trong các cuộc mít tinh biểu tình phản đối chính quyền tay sai thực dân năm 1930-1931 lưu giữ tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Bộ sưu tập vũ khí đấu tranh của tự vệ đỏ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và Bộ triện của hào lý nộp cho chính quyền Xô Viết năm 1930-1931 được trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Lá cờ từng được dùng trong các cuộc biểu tình của Nhân dân Hương Khê lúc bấy giờ như: Cuộc mít tinh kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga thu hút hàng nghìn người vào ngày 7/11/1930. Tại sự kiện này, các chi bộ Đảng trong huyện đã vận động quần chúng tiến hành mít tinh nghe diễn thuyết về phong trào cách mạng, về tình hình trong nước và quốc tế; sau đó, tổ chức tuần hành thị uy, đốt các điếm canh do bọn địch dựng lên ở dọc đường, trừng trị một số cường hào gian ác...
Cuộc mít tinh kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga đã khởi đầu cho phong trào cách mạng 1930-1931 của Nhân dân toàn huyện Hương Khê trong cao trào Xô viết.
Bên cạnh các hiện vật, hiện Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh còn lưu giữ hàng chục cuốn hồi ký về quá trình đấu tranh cách mạng của những đảng viên cộng sản hoạt động trong giai đoạn từ năm 1930-1945. Đây là những tư liệu quý giá phản ánh quá trình nhận thức về vai trò của Đảng những ngày đầu thành lập, cho đến tái hiện lại suốt quãng thời gian đấu tranh bền bỉ, anh dũng của những chiến sỹ cộng sản trên quê hương núi Hồng - sông La.
Bộ sưu tập những cuốn hồi ký cách mạng của các đồng chí cán bộ cộng sản kiên trung ghi lại quá trình chiến đấu từ năm 1930 -1945 và sau này được lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Hầu hết, tác giả của các cuốn hồi ký đều là những chiến sỹ cách mạng kiên trung, dù bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng son sắt với lý tưởng như: đồng chí Trần Chí Tín (1898-1987) ở xã Sơn Châu (Hương Sơn) - nguyên là cán bộ lãnh đạo phong trào Xô viết ở Hương Sơn và khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương vào tháng 8/1945; đồng chí Lê Bảng (1905-1978, ở xã Hồng Lộc, Lộc Hà, là một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên ở Can Lộc những năm 1930) là người được phân công nhiệm vụ hạ cờ của chính quyền tay sai, treo cờ khởi nghĩa Việt Minh lên cột cờ huyện đường Can Lộc trong tối 16/8/1945, chứng minh Can Lộc là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh khởi nghĩa giành chính quyền thành công…
Ngoài ra, còn có các cuốn hồi ký của các đồng chí khác như: Nguyễn Cứ (xã Tân Lộc), Lê Tử Trâm (xã Bình An, Lộc Hà), Kiều Liêu (làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, Đức Thọ), Đặng Nghiệm (xã Tùng Lộc, Can Lộc)…
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được thể hiện qua tranh sơn dầu.
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Hà Tĩnh còn lưu giữ nhiều hiện vật khác, phản ánh thời kỳ đấu tranh cách mạng sôi nổi trên quê hương xứ Nghệ như: dụng cụ mài mực, bàn in tài liệu truyền đơn của tổ chức Đảng, các vũ khí thô sơ của đội tự vệ đỏ các làng Xô viết, va ly, túi da đựng tài liệu của chiến sỹ cộng sản, các bức ảnh chân dung của cán bộ khởi nghĩa…
Đèn pin của cán bộ Huyện ủy Hương Khê dùng đi công tác ban đêm trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931 tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Mỗi hiện vật là một câu chuyện sinh động, chân thực kể lại quá khứ đấu tranh kiên cường, bền bỉ của Nhân dân Hà Tĩnh và Nghệ An trong phong trào cách mạng từ khi Đảng mới ra đời cho đến ngày khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, đưa cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng vào mùa thu, tháng 8/1945.
Các ĐVTN Nghệ An tham quan học tập tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Sau hơn 63 năm (15/1/1960) kể từ khi Đảng đoàn Bộ Văn hóa ra Quyết định số 106-QĐ/VH về việc thành lập Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đến nay, chúng tôi đã sưu tầm được trên 16.000 hiện vật về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, từ các địa phương của 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh và một số tư liệu liên quan đến giai đoạn khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945. Tất cả hiện vật đều vô cùng quý giá, ghi lại một thời đấu tranh sôi nổi của phong trào cách mạng. Đó cũng chính là những minh chứng sống động để bảo tàng phát huy giá trị trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử dân tộc.