Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). Điều này đã và đang trở thành “chất xúc tác” để các địa phương thay đổi toàn diện cả về lượng và chất trong lộ trình phát triển.

Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh và cân đối bố trí nguồn lực thực hiện hằng năm.

Cụ thể, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 123/2018/NQ - HĐND về một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và các cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2020; Nghị quyết số 44/2021/NQ - HĐND về một số chính sách hỗ trợ tạo nguồn lực xây dựng thành công Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2022 - 2025; Nghị quyết số 51/2021/NQ - HĐND về quy định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025.

Các cơ chế, chính sách được ban hành đã nhanh chóng vận dụng vào thực tế sản xuất. Theo đó, mỗi năm đã có hàng trăm tỷ đồng được hỗ trợ để xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, tạo sức lan tỏa, động lực lớn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Hà Tĩnh

Chị Phạm Thị Hồng (áo cam) chia sẻ với đoàn giám sát chuyên đề của Hội Nông dân tỉnh về những kết quả đã đạt được.

Tại Vũ Quang, tổng nguồn lực thực hiện phát triển sản xuất, xây dựng NTM giai đoạn 2019 - 2021 là hơn 61 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ xây dựng xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao là 3,5 tỷ đồng. Từ những nguồn lực được phân bổ, huyện Vũ Quang đã kịp thời tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ xuống các địa phương.

Về với xã Đức Lĩnh - một trong những điểm sáng của huyện Vũ Quang thụ hưởng hiệu quả các chính sách, diện mạo nông thôn được thay đổi rõ nét.

Chị Phạm Thị Hồng - thành viên cụm dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh” ở tổ liên gia số 1 (thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh) phấn khởi nói: “Chính sách hỗ trợ xây dựng cụm dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh” đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, người dân luôn ý thức cùng địa phương “nâng chất” các tiêu chí NTM. Diện mạo khu dân cư đã từng bước khởi sắc, vệ sinh môi trường được cải thiện, hệ thống điện thông minh được lắp đặt, nâng cấp cảnh quan trở thành điểm đến hấp dẫn du thu hút du khách trong và ngoài tỉnh".

Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Hà Tĩnh

Đoàn giám sát chuyên đề của Hội Nông dân tỉnh tham quan nơi sinh hoạt chung của cụm dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh” ở tổ liên gia số 1 (thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh).

Ông Nguyễn Xuân Thê - Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh chia sẻ: “Từ năm 2019 - 2021, toàn xã có 211 vườn mẫu được công nhận với số tiền thụ hưởng hơn 1 tỷ đồng; 28 cây đầu dòng trị giá 28 triệu đồng; 8 khu dân cư kiểu mẫu được cấp kinh phí 2,4 tỷ đồng; 46 tổ hợp tác nhận hỗ trợ hơn 3,4 tỷ đồng; 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 60 triệu đồng. Tổng kinh phí hấp thụ chính sách trong 3 năm đạt hơn 7 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, đến thời điển hiện tại, việc thực hiện chính sách theo Nghị quyết 44, Nghị quyết 51 của HĐND tỉnh đạt 48 triệu đồng. Các chính sách hấp thu tốt như: thưởng xã đạt chuẩn NTM, hỗ trợ khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, mô hình sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGap, vay vốn hỗ trợ lãi suất...".

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: “Nhờ có các cơ chế hỗ trợ, tình hình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, toàn huyện có 9/9 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt NTM nâng cao, 64/73 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu, có 1.575 vườn hộ đạt tiêu chuẩn vườn mẫu và là huyện miền núi đầu tiên được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Đến nay, địa phương cũng có 13 sản phẩm nông nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao”.

Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Hà Tĩnh

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Lê Quang Đức cùng thành viên đoàn tham quan mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn.

Các cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới không chỉ được triển khai ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi mà đã lan toả sâu rộng tới nhiều địa phương. Trong đó, tại TP Hà Tĩnh, tổng nguồn lực thực hiện phát triển sản xuất, xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu giai đoạn 2019 - 2021 đạt 61 tỷ đồng.

Là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của TP Hà Tĩnh, cấp uỷ, chính quyền và bà con nhân dân xã Thạch Hạ đã tranh thủ mọi nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng chất các tiêu chí. Anh Trần Ngọc Hồng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Thạch Hạ cho biết: “HTX đi đầu trong tích tụ ruộng đất với diện tích 34,65 ha đã nhận được số tiền hỗ trợ hơn 487 triệu đồng. Đây chính là động lực khích lệ để HTX vươn lên. Từ đó, chúng tôi yên tâm, chủ động tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất”.

Còn đối với hộ ông Đặng Xuân Hà (thôn Liên Hà) rất phấn khởi khi gói hỗ trợ lãi suất với số tiền 15 triệu đồng phát huy tác dụng, giúp giảm phần nào áp lực tài chính, đầu tư kinh doanh nhằm phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Ông Nguyễn Sông Hàn - Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ nhận định: “Tổng kinh phí được cấp từ năm 2019 - 2021 là hơn 6 tỷ đồng, xã đã phân bổ, hỗ trợ tập trung tích tụ ruộng đất ở vùng Đồng Ghè 24,88 ha (với số tiền 487 triệu đồng); xây dựng 13 vườn mẫu với kinh phí hỗ trợ là 130 triệu đồng; hỗ trợ lãi suất... Các chính sách hỗ trợ đi đôi với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM làm thay đổi bộ mặt khu dân cư nông thôn. Hệ thống hạ tầng xây dựng đồng bộ, kinh tế hộ dân được phát triển".

Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Hà Tĩnh

Đoàn giám sát ấn tượng với tiến độ tích tụ ruộng đất tại vùng Đồng Ghè, xã Thạch Hạ.

Không chỉ Thạch Hạ, chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất tại TP Hà Tĩnh phát huy hiệu quả rõ nét. Đến nay, tổng diện tích đất tích tụ đạt 122 ha; gắn với tích tụ, tập trung ruộng đất, địa phương đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất theo hướng công nghệ cao như: mô hình sản xuất rau củ quả công nghệ cao theo hướng hữu cơ của HTX Thanh niên Thành Sen; mô hình chuyên canh lúa hàng hoá của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Thạch Hạ...

Cùng với đó chính sách xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu tiếp tục đi vào cuộc sống. Đến nay, TP Hà Tĩnh đã có 96 vườn đạt chuẩn vườn mẫu; 24/42 khu dân cư mẫu đạt chuẩn. Giai đoạn 2019 - 2021, xây dựng đạt 20 khu dân cư kiểu mẫu với tổng kinh phí đã hỗ trợ hơn 32 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Đức thông tin: “Với những nguồn kinh phí được cấp, UBND thành phố đã và đang tập trung ưu tiên cho phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, khai thác tối đa giá trị, đa mục tiêu như: nông nghiệp kết hợp du lịch, dịch vụ, sinh thái; nuôi trồng theo hướng tuần hoàn; nông nghiệp hữu cơ. Quá trình sản xuất, chuyển đổi được xây dựng kế hoạch bài bản và thực hiện đồng thời với xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường”.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy cho biết: “Các chính sách hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM đã và đang góp phần để nông nghiệp của tỉnh chuyển biến theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, một số cơ chế chính sách còn gặp vướng mắc về thủ tục, việc triển khai chính sách tới cơ sở có độ trễ… Với quyết tâm lớn của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội và phối hợp với các địa phương thực hiện nhất quán và hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, tạo sức lan tỏa lớn để nâng cao giá trị sản xuất, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho các hộ dân vùng nông thôn và đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng chiều sâu, bền vững gắn với mục tiêu xây dựng tỉnh NTM”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.
Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã, đang chung sức, đồng lòng “vẽ” nên bức tranh nông thôn mới đa sắc, kinh tế phát triển, làng quê bình yên...
Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Căn cứ theo các quy định, xét đề nghị của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh và Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh.
Mật ong OCOP Thức Dung - ngọt từ thiên nhiên

Mật ong OCOP Thức Dung - ngọt từ thiên nhiên

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, mật ong Thức Dung (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.