Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, hiện nay UBND 4 tỉnh đã tiến hành phân bổ kinh phí được tạm cấp đợt III cho cấp huyện và đang tiếp tục thực hiện chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân.
Các tỉnh đã phê duyệt giá trị thiệt hại với tổng số tiền 4.528,52 tỷ đồng, đạt 85,8% tổng số kinh phí tạm cấp 3 đợt là 5.280 tỷ đồng của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến ngày 24/4, 4 tỉnh đã giải ngân được 4.244 tỷ đồng, đạt 93,7% số tiền đã phê duyệt và đạt 80,4% tổng kinh phí được tạm cấp. Trong đó, Hà Tĩnh giải ngân được 1.129 tỷ đồng; Quảng Bình 1.970,7 tỷ đồng; Quảng Trị 460,9 tỷ đồng; Thừa Thiên - Huế 579 tỷ đồng, đạt 85%.
Tính đến ngày 23/4, lượng hải sản được thu mua từ tháng 4/2016 đến tháng 8/2016 (không kể sản phẩm sứa, nước mắm, mắm ruốc, hải sản khô, tẩm ướp, hải sản trong tủ lạnh, tủ đông) sau khi phân lô, lấy mẫu được Bộ Y tế kiểm nghiệm và báo cáo ngày 8/11/2016 là 5.369 tấn và khi 4 Đoàn công tác kiểm tra các tỉnh báo cáo là 6.912,43 tấn, tăng lên 1.543,43 tấn.
Đến nay, 4 tỉnh đã tiêu hủy tổng số 1.103,99 tấn hải sản lưu kho không bảo đảm an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng các tỉnh mới chi trả 50% giá trị lô hàng hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm bị tiêu hủy vì hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định. Các địa phương đang rà soát hồ sơ đối với lượng hải sản lưu kho còn lại để phê duyệt, chi trả bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Đối với hàng hải sản lưu kho bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương và chủ hàng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ.
Các hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung đã cơ bản ổn định. Nguồn lợi thủy sản có sự phục hồi rõ rệt; người dân tích cực bám biển sản xuất và từng bước chuyển đổi các nghề khai thác tầng đáy sang khai thác ở vùng biển xa bờ. Số lượng tàu thuyền ra khơi đánh bắt trên biển đã tăng dần, tàu khai thác ven bờ đạt 70-80%, tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi đạt 85-90%.
Bộ NN&PTNT đã điều động lực lượng Kiểm ngư phối hợp với các địa phương kiểm soát, hướng dẫn người dân không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy gần bờ để tạo điều kiện khôi phục hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ, bảo đảm an toàn thực phẩm. Sản lượng khai thác hải sản quý I/2017 đạt 25.386 tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của 4 tỉnh trong quý I/2017 là 6.279 tấn, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện nay các địa phương đã và đang tập trung công tác cải tạo ao hồ, chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục thả giống vụ nuôi năm 2017.
Trên cơ sở báo cáo của 4 tỉnh về số lượng và kinh phí dự kiến phát sinh khi bổ sung đối tượng, phạm vi thiệt hại với tổng số kinh phí dự kiến 769,926 tỷ đồng; cân đối nguồn kinh phí thực hiện đề án, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng cho chủ trương bồi thường thiệt hại 30% giá trị đối với hàng hải sản đông lạnh lưu kho bảo đảm an toàn thực phẩm (1.543,43 tấn, tương đương 39,1 tỷ đồng). Đây là số hàng hải sản đông lạnh lưu kho vượt so với số lượng đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm và báo cáo ngày 8/11/2016 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo lần thứ 3.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị cho phép tiêu hủy và bồi thường 100% giá trị lô hàng đối với sản phẩm sứa, hải sản khô, hải sản tẩm ướp bị hư hỏng, không dùng làm thực phẩm cho người được, hiện đang lưu kho tại các xã/phường/thị trấn ven biển, ven cửa sông với tổng số tiền dự kiến 377,448 tỷ đồng.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay hoạt động sản xuất thuỷ sản và đời sống nhân dân trên địa bàn 4 tỉnh đã cơ bản ổn định.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, đối với số lượng hải sản lưu kho tại các địa phương chưa được Bộ Y tế kiểm nghiệm và vượt so với báo cáo ngày 8/11/2016, cho phép bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Hiện báo cáo có tăng thêm số lượng hỗ trợ, nếu có thiệt hại thật sự sẽ xem xét, phát hiện kê khai gian dối sẽ xử lý nghiêm.
Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, báo cáo thật chính xác, đủ căn cứ mới bồi thường, hỗ trợ cho người thiệt hại. Báo cáo định lượng, kinh phí phát sinh, dự kiến phát sinh theo đúng quy định về số hải sản lưu kho, nếu kho rõ ràng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra cụ thể. Từ đó, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tổng hợp, thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cho phép tiêu huỷ và bồi thường 100% giá trị lô hàng đối với sản phẩm sứa, hải sản khô, tẩm ướp, không dùng làm thực phẩm cho người, hiện đang lưu kho tại các xã, phường ven biển, cửa sông. Trên cơ sở đó, giao Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, báo cáo định lượng, kinh phí dự kiến phát sinh, tính xác thực, đúng quy định về số sản phẩm này.
Trên cơ sở đề xuất của 4 tỉnh bị sự cố, giao Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tạm cấp kinh phí bồi thường thiệt hại bổ sung để các tỉnh thực hiện bồi thường hỗ trợ ngư dân.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Chủ tịch UBND các tỉnh thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho người dân và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về khối lượng, số lượng, đối tượng, phạm vi, trách nhiệm bồi thường và bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở.
Về hỗ trợ địa phương kinh phí để phục vụ công tác quản lý, ổn định tình hình, công tác thống kê, thẩm định, bảo vệ an ninh trật tự và bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác này ở thôn, tổ dân phố thì địa phương lấy từ nguồn ngân sách của tỉnh và huy động các nguồn hợp pháp khác.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý các địa phương, khẩn trương chi trả bồi thường thiệt hại, hỗ trợ cho người dân phải được hoàn thành dứt điểm trước ngày 30/6/2017.
Theo đó, các địa phương đẩy nhanh tiến độ về đề xuất đối tượng, định mức thiệt hại, tiến độ kê khai, xác định và tiến hành chi trả. Các bộ, ngành trên cơ sở nhiệm vụ được phân công cần đẩy nhanh việc chi trả cho người dân.
Đồng thời, tiếp tục quan trắc môi trường, công bố chất lượng nước biển, lấy mẫu giám sát hải sản tầng đáy và giám sát môi trường nghiêm ngặt với hoạt động của công ty Formosa.
Bộ Y tế triển khai kế hoạch lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm hải sản, nhất là hải sản tầng đáy trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào tại bờ biển 4 tỉnh.
Bộ NN&PTNT triển khai việc lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm thuỷ sản, mẫu nước và trầm tích phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các cơ quan liên quan cần tăng cường tuyên truyền để giúp người dân nhận thức đúng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xử lý, khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống người dân. Qua đó, nhân dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản và sử dụng dịch vụ du lịch tại các địa phương.