Chị Phan Thị Bích Thảo (quận Hà Đông, Hà Nội): “An toàn cho bản thân và cộng đồng là trên hết"
Tôi quê ở Hà Tĩnh, còn chồng là người Hà Nội. Cả hai vợ chồng đều là công chức nhà nước. Tháng 4 vừa rồi, khi dịch bệnh tạm lắng xuống, vợ chồng tôi đã mời bố mẹ từ Hà Tĩnh ra chơi và có kế hoạch sau khi kết thúc năm học sẽ cho hai con gái về quê với ông bà trong dịp hè.
Chị Phan Thị Bích Thảo - chuyên viên Văn phòng Chính phủ (Hà Nội)
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Hà Nội trở thành một trong những địa phương có ổ dịch khiến chúng tôi khá lo lắng. Dù thời điểm hiện tại, bố mẹ tôi đã rất muốn về quê nhưng vợ chồng tôi động viên ông bà ở lại và cả hai đã đồng ý.
Theo tôi, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay, nếu như không có lý do gì quá đặc biệt, mỗi người nói chung và người Hà Tĩnh ở xa nói riêng không nên di chuyển để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Việc đó cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân đối với cộng đồng, với đất nước.
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và tinh thần "chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, chúng tôi hi vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để bố mẹ sớm được về quê và các con còn có cơ hội đi tắm biển Thạch Hải, Thiên Cầm trong dịp hè này.
Anh Nguyễn Văn Sắc (công nhân ở thị trấn Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương): "Hy sinh niềm riêng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh"
Tôi là công nhân nhà máy gỗ, còn vợ là giáo viên tiểu học, đều quê ở Can Lộc. Chúng tôi đang công tác ở thị trấn Mỹ Phước (Bình Dương). Làm ăn xa quê nên chúng tôi đã gửi 2 đứa con (con trai 6 tuổi, con gái 3 tuổi) cho bố mẹ ở quê chăm sóc.
Anh Nguyễn Văn Sắc (Công nhân khu công nghiệp Mỹ Phước, Bình Dương). Ảnh: NVCC
Do dịch bệnh nên dịp tết không về được, chúng tôi đã sắp xếp kế hoạch hè này sẽ về quê và đưa các con vào chơi. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trở lại, chúng tôi đành hủy vé.
Hiện tại, Bình Dương chưa có ổ dịch mới nhưng các vùng lân cận đang có dịch, việc di chuyển xe, tàu có nguy cơ lây nhiễm khó lường. Do vậy, dù rất nhớ các con nhưng vợ chồng tôi động viên nhau cùng cố gắng tạm thời không về thăm con lúc này.
Chúng tôi nghĩ vì gia đình và cộng đồng, mình cố gắng hy sinh niềm vui một chút để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Chị Trần Thị Lý (bác sỹ điều dưỡng, Bệnh viện Phụ sản Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh): "Ở lại để tăng cường chống dịch"
Là một bác sỹ, dù không thuộc diện tuyến đầu nhưng tôi hiểu rõ việc chống dịch lúc này rất khẩn cấp. Dịp tháng 4 vừa qua, khi tình hình ổn định, tôi đã lên kế hoạch cắt phép về thăm gia đình và nghỉ ngơi ít ngày. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trở lại, tôi đã báo với gia đình và người thân tạm hoãn chuyến trở về, đồng thời báo cáo với cơ quan ở lại làm việc.
Bác sỹ Trần Thị Lý (TP Hồ Chí Minh). Ảnh chụp đầu tháng 4/2021
Dù chỗ tôi ở và làm việc chưa phải là “điểm nóng” Covid-19 nhưng đề cao cảnh giác, bệnh viện chúng tôi đã thực hiện tất cả các phương pháp đảm bảo an toàn phòng dịch cho cán bộ, nhân viên và bệnh nhân.
Với vai trò là một bác sỹ, đồng thời là một người con của quê hương Hà Tĩnh, tôi mong mọi người ở TP Hồ Chí Minh và những vùng có dịch ngừng việc di chuyển, nhất là về quê nếu không thực sự cần thiết. Ở yên tại chỗ lúc này, chúng ta không chỉ góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình mà còn chung tay cùng các lực lượng chức năng đẩy lùi dịch bệnh.
Anh Nguyễn Ngọc Chuẩn (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng): "Bố mẹ động viên tôi tạm thời chưa về quê"
Tôi đã tốt nghiệp Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Đà Nẵng) được một năm. Vừa qua, trong thời gian chờ lấy bằng tốt nghiệp, tôi đã ở lại đi dạy thêm và có ý định hè này sẽ về nhà. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh phức tạp nên vừa rồi, bố mẹ đã gọi điện bảo tôi tạm thời ở lại.
Nguyễn Ngọc Chuẩn (ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ảnh NVCC
Mặc dù 7 ngày qua ở TP Đà Nẵng không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng nhưng tôi nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn dịch Covid-19 trong cộng đồng là khó lường. Bởi vậy, khi bố mẹ tôi khuyên hoãn về quê dịp này, tôi nghĩ là rất cần thiết.
Tôi cho rằng, dù chính quyền chưa có lệnh giãn cách nhưng bản thân mỗi người đều có ý thức thực hiện hành động này bằng việc hạn chế đi lại, áp dụng các biện pháp phòng dịch... thì dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.