Học sinh Nghi Xuân chế tạo thành công dụng cụ tháo, lắp bóng đèn trên cao

(Baohatinh.vn) - Sản phẩm tháo, lắp bóng đèn compact, đèn led trên cao với tính năng hữu ích của 2 học sinh Trần Phương Lê Vy (lớp 9E) và Nguyễn Hồng Gia Toàn (lớp 9D) - Trường THCS Nguyễn Trãi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vừa đạt giải ba tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 15 (năm 2019).

Video 2 học sinh giới thiệu về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của dụng cụ tháo, lắp bóng đèn compact, đèn led trên cao

Chia sẻ về ý tưởng chế tạo ra sản phẩm này, Gia Toàn bày tỏ: “Có lần anh trai em tháo bóng đèn, nhưng vì phải với lên cao, vặn không kỹ nên không may bóng bị rơi xuống. Ngoài ra, ở nông thôn hiện nay sử dụng đèn led, đèn compact làm đèn đường rất nhiều. Những lần đi qua, em thường thấy các chú thợ điện phải dùng thang leo lên thay bóng đèn rất vất vả, hơn nữa phải có 2 người mới làm được. Vì thế nên em muốn làm một sản phẩm đơn giản mà có tính thực tế cao để giúp mọi người làm công việc tháo lắp bóng đèn dễ dàng hơn”.

Học sinh Nghi Xuân chế tạo thành công dụng cụ tháo, lắp bóng đèn trên cao

Tối 4/11/2019, Trần Phương Lê Vy và Nguyễn Hồng Gia Toàn nhận giải ba Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 15 tại Hà Nội. Trong ảnh: Lê Vy và Gia Toàn chụp hình lưu niệm cùng thầy cô Trường THCS Nguyễn Trãi

Theo Trần Phương Lê Vy, sản phẩm tháo, lắp bòng đèn này được cấu tạo bởi 4 bộ phận chính. Nguồn điện và công tắc điều khiển gồm 1 công tắc bật – tắt và một công tắc đảo chiều, bên trong là nguồn điện 1 chiều gồm 4 pin loại 1,5 V mắc nối tiếp.

Phần thân gồm 2 phần nối với nhau bởi một khớp nối, thân có thể thay đổi độ dài nhờ khớp nối và dây điện xoắn co giãn luồn bên trong ống. Phần động cơ là một mô tơ giảm tốc 6V, công suất 1,5W có thể đổi chiều quay khi đổi chiều dòng điện. Và cuối cùng là cơ cấu kẹp để tháo, lắp bóng.

Học sinh Nghi Xuân chế tạo thành công dụng cụ tháo, lắp bóng đèn trên cao

Lê Vy và Gia Toàn mong rằng, dụng cụ này sẽ giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc tháo, lắp bóng đèn compact

Trong quá trình thực hiện, đôi bạn thân này đã trải qua rất nhiều khó khăn với hơn chục lần bị vỡ bóng đèn vì sai nguyên lý hoạt động. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, không nản chí, sau 3 tháng, Gia Toàn và Lê Vy đã hoàn thiện sản phẩm.

“Mỗi bộ phận nhỏ trên dụng cụ đều cần nhiều lần thử nghiệm mới đi đến phương án tối ưu. Chẳng hạn như một bộ phận phụ là chiếc đai giữ mô tơ bằng nhựa phế thải nhìn rất đơn giản nhưng nhờ tính đàn hồi nên giữ chặt được mô tơ, nếu dùng vật liệu khác như nhôm, sắt thì sẽ không thành công vì sau một thời gian sẽ lỏng” - Lê Vy chia sẻ.

Về nguyên lý hoạt động của dụng cụ này, Gia Toàn cho hay: “Khi bật công tắc thì mô tơ giảm tốc được nối với nguồn điện nên mô tơ quay làm cho cơ cấu kẹp quay giúp tháo, lắp bóng đèn. Nhờ công tắc đảo chiều dòng điện nên mô tơ quay được hai chiều tương ướng với hai chế độ tháo và lắp. Khi đó, cơ cấu kẹp có vai trò giữ chặt bóng đèn trong khi tháo, lắp nhờ tính đàn hồi và lực ma sát. Đặc biệt, dụng cụ này có thể thay đổi chiều dài một cách dễ dàng tùy vào độ cao của bóng đèn”.

Học sinh Nghi Xuân chế tạo thành công dụng cụ tháo, lắp bóng đèn trên cao

Nhờ công tắc đảo chiều dòng điện nên mô tơ quay được hai chiều tương ướng với hai chế độ tháo và lắp

Đa số nguyên vật liệu được các em tận dụng từ phế liệu như ống nhựa, dây điện thoại bàn, hộp nhựa đựng thuốc tây… để làm các bộ phận như khớp nối bằng, khớp quay, đai giữ mô tơ, khớp nhựa gắn cơ cấu kẹp. Giá thành mỗi sản phẩm chỉ khoảng 200.000 đồng.

Hào hứng nói về những lợi ích mà sản phẩm này mang lại, Lê Vy cho biết: Không chỉ để tháo lắp bóng đèn mà dụng cụ này còn có thể dùng để quét mạng nhện trên trần nhà. Chỉ cần thay cơ cấu kẹp bởi chổi lông, dụng cụ có thể làm cho chổi xoay trái, xoay phải quấn mạng nhện vào trong chổi, giúp quét mạng nhện hiệu quả và không làm bẩn tường.

Học sinh Nghi Xuân chế tạo thành công dụng cụ tháo, lắp bóng đèn trên cao

Dụng cụ sau khi hoàn thiện đã được sử dụng thử nghiệm trong gia đình, thôn xóm, trong nhà trường

Trực tiếp hướng dẫn Lê Vy và Gia Toàn thực hiện đề tài này, thầy giáo Phan Văn Tý (giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi) đánh giá: “Để hoàn thành được sản phẩm, 2 em đã bỏ ra rất nhiều công sức và chịu khó, tỉ mỉ làm từng bộ phận, dù thất bại nhiều lần nhưng các em không bỏ cuộc. Dụng cụ này có cấu tạo gọn nhẹ, dễ vận chuyển và sử dụng, giúp tiết kiệm lao động, an toàn. Sau khi sử dụng thử nghiệm trong gia đình, thôn xóm, trong nhà trường, nhiều người yêu thích và đánh giá cao về ý tưởng cũng như lợi ích của sản phẩm”.

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.