Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Cần vận động người dân thực hiện "3 không" về đảm bảo VSATTP
Hội nghị đã được nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phổ biến các văn bản chỉ đạo, việc thực hiện các văn bản chỉ đạo về VSATTP và kết quả thực hiện công tác đảm bảo VSATTP năm 2011. Năm 2011, công tác thông tin giáo dục truyền thông được triển khai liên tục và có hiệu quả. Kết quả điều tra trên các nhóm đối tượng cho thấy, có 82,9% người sản xuất, 82,1% người kinh doanh, 82,4% người tiêu dùng và 93,5% cán bộ quản lý, lãnh đạo có hiểu biết đúng về VSATTP. Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, hậu kiểm được triển khai tích cực, chủ động và quyết liệt hơn năm 2011. BCĐ liên ngành các cấp, các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ hơn; mạng lưới triển khai từ Trung ương đến địa phương được hoàn thiện và tăng cường. Về số vụ ngộ độc thực phẩm được giảm đáng kể so với năm 2010.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đảm bảo VSATTP vẫn còn nhiều bất cập như các Nghị định hướng dẫn Luật VSATTP chưa kịp ban hành trong năm 2011; ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn khu công nghiệp chưa giảm; việc kiểm soát các nguyên liệu đầu vào còn gặp khó khăn; kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP chậm; dầu tư của địa phương cho mạng lưới công tác còn hạn chế; vi phạm về quảng cáo thực phẩm, đặc biêt là thực phẩm chức năng còn khá phổ biến…
Hội nghị cũng đã được nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản quý I năm 2012; thành phố Hà Nội báo cáo về tình hình thực hiện VSATTP đường phố; thành phồ Hồ Chí Minh báo cáo về kết quả thực hiện mô hình thí điểm về chuỗi sản xuất thực phẩm; Quảng Ninh báo cáo về kết quả thực hiện đề án thực phẩm gắn với du lịch.
Tại Hà Tĩnh, công tác VSATTP cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Chi Cục VSATTP đã tích cực tham mưu kịp cho cấp ủy, Đảng, chính quyền các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động đảm bảo VSATTP trên địa bàn. Các hoạt động truyền thông giáo dục về VSATTP, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo VSATTP trong sản xuất nông nghiệp thường xuyên được tăng cường, kiểm soát. Năm 2011, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra phát hiện và xử lý nhiều vi phạm về ATTP, nộp ngân sách Nhà nước trên 200 triệu đồng và tiêu hủy nhiều sản phẩm vi phạm về ATTP. Đặc biệt, “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2012” đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thay đổi hành vi về đảm bảo ATTP trong người dân; đã thanh, kiểm tra 5075 cơ sở, trong đó xử lý 768 cơ sở vi phạm, thu phạt trên 50 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.
Tại hội nghị, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất cho hoạt động đảm bảo VSATTP trong thời gian tới như: Kinh doanh hóa chất ATTP phải là kinh doanh có điều kiện; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm chợ an toàn; cần tổ chức các cuộc giao ban để kịp thời thông tin các vấn đề liên quan VSATTP; sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật ATTP, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về VSATTP; cần thống nhất phát ngôn về thông tin khi liên quan đến các vụ việc vi phạm VSATTP…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ghi nhận những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, nhất là công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo VSATTP. Phó Thủ tướng đề nghị, năm 2012, các Bộ nhanh chóng có hướng dẫn chuyên ngành, hoặc hướng dẫn liên tịch của Chính phủ về chiến lược VSATTP, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chiến lược cho 4 năm tới gắn với chương trình mục tiêu quốc gia ATVSTP, có chỉ tiêu cụ thể. Về giáo dục thay đổi hành vi ATTP, đề nghị các cơ quan thường trực làm việc với Hội LHPN, Hội Nông dân để vận động các hội viên thực hiện từng bước “3 không” (không sản xuất rau không an toàn, không bán các chất phụ gia không có trong danh mục, không giết mổ mà không an toàn), trong đó đặc biết chú trọng phát triển phong trào quần chúng phát hiện và xây dựng cam kết thực hiện. Về công tác thanh tra, kiểm tra, cần thực hiện phân loại và tái kiểm tra các cơ sở vi phạm cho đến khi nâng hạng; thường xuyên kiểm tra chuỗi nguồn gốc, chế biến, phát huy sức mạnh liên ngành.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp có chương trình chỉ đạo riêng cho 6 tỉnh biên giới về giám sát, xử lý thực phẩm nhập qua biên giới; các Bộ, ngành liên quan có hướng dẫn đảm bảo ATVSTP cho các bếp ăn khu công nghiệp; Bộ Y tế, Bộ Noogn nghiệp, Bộ Công thương phối hợp với công an xây dựng hướng dẫn liên tịch về triển khai Luật ATTP, chiến lược ATTP của Chính phủ, đặc biệt là về kiểm tra, xử lý sai phạm; Bộ Nội vụ chủ trì có hướng dẫn về lực lượng chuyên trách về ATTP; Bộ Y tế xây dựng danh mục các chất không được đưa vào thực phẩm, phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng Bô tài liệu tuyên truyền và tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề cho các hộ kinh doanh các mặt hàng hóa chất liên quan đến sức khỏe.
Đối với các thành phố, cần có kế hoạch quản lý thức ăn đường phố theo điều kiện địa phương; các tỉnh, thành thực hiện qui hoạch giết mổ, phấn đấu trong một, vài năm tới kiểm soát được giết mổ khu vực thành phố, thị xã; hoàn thành chỉ số về VSATTP; có cơ chế phối hợp đưa tin, xử lý thông tin liên quan ATTP …