Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh và Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh Đỗ Khoa Văn chủ trì hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo có: Ông Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa; bà Vũ Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ông Andrew Hardy – Trưởng Đại diện Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại Việt Nam; đại biểu đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc và các nhà khoa học, các nhà quản lý từ các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, các đơn vị trung ương và địa phương.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh đã bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp các nhà khoa học quốc tế đến với Hà Tĩnh tham dự hội thảo.
Với lịch sử gần 600 năm, làng Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều di sản văn hóa được xếp hạng, đặc biệt là các di sản của dòng họ Nguyễn Huy. Chính vì thế, tại hội thảo lần này, muốn được nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản của văn hóa dòng họ Nguyễn Huy nói riêng và của làng Trường Lưu nói chung, làm cơ sở tham khảo cho các cơ quan quản lý.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường báo cáo đề dẫn tại hội thảo
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường giới thiệu sơ lược dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu. Việc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế lần này là một trong những nội dung thực hiện đề tài “Nghiên cứu giá trị di sản Hán Nôm thế kỷ XVII - XX của dòng họ Nguyễn Huy, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh” của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Mục tiêu của đề tài là xác định, lập danh mục, khảo sát hệ thống các văn bản Hán Nôm dòng họ Nguyễn Huy thế kỷ XVII - XX.
PGS-TS Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học: Di sản Hán Nôm của dòng họ Nguyễn Huy có giá trị vô cùng to lớn đối với việc nghiên cứu sử học. Việc bảo tồn các giá trị di sản này cần có sự quan tâm vào cuộc của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Hội thảo nhận được 30 tham luận của các học giả đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, và các nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý văn hóa từ Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Các tham luận đã đề cập một cách đa diện đến các vấn đề liên quan tới di sản Hán Nôm của dòng họ Nguyễn Huy qua các tư liệu khảo sát ở làng Trường Lưu và các vùng xung quanh, tư liệu Hán Nôm của dòng họ Nguyễn Huy hiện lưu trữ ở nơi khác, tạo nêu những bức tranh khá cụ thể, tỉ mỉ từ góc nhìn tư liệu học.
Hội thảo nhận được 30 tham luận của các học giả đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Nhật Bản, Trung Quốc và các nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý văn hóa từ Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Có những tham luận có tính luận giải mở rộng, xuất phát từ các vấn đề của tư liệu Hán Nôm, của văn hoá gia tộc, để mở rộng phân tích theo các khía cạnh: văn học, lịch sử, văn hoá, học thuật, di sản, giáo dục, hôn nhân, gia tộc...
Hội thảo là diễn đàn trao đổi hữu ích đối với các chuyên gia, các nhà khoa học, đưa ra những phát hiện mới về những tư liệu Hán Nôm của dòng họ Nguyễn Huy, từ đó xác định các giá trị của hệ thống di sản Hán Nôm của dòng họ. Một phần kết quả sẽ là cơ sở để phục vụ việc lập hồ sơ đề cử Danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới “Bộ sưu tầm tư liệu Hán Nôm dòng họ Nguyễn Huy thế kỷ XVII - XX”.