Hiện nay, giáo viên đang phải chịu các áp lực đến từ nhiều phía: phụ huynh, học sinh, nhà trường, xã hội… nhưng họ lại ít được chia sẻ, thiếu đào tạo kỹ năng để vượt lên những áp lực cũng như những kỹ năng xử lý tình huống nghề nghiệp. Đây là những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại buổi tọa đàm “Áp lực của giáo viên, nguyên nhân và giải pháp” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức.
Bà Phan Thị Hồ Điệp |
Bà Phan Thị Hồ Điệp, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, giáo viên hiện chịu áp lực rất lớn từ phụ huynh. Phụ huynh thường kỳ vọng rất lớn vào con mình và vì thế đặt nặng vấn đề thành tích điểm số.
“Đón con từ cổng trường, thay vì hỏi con đi học có vui không thì nhiều phụ huynh hỏi con được mấy điểm. Tôi từng chứng kiến cảnh học sinh bị phụ huynh đánh, mắng, thậm chí xé bài con ngay ở cổng trường, trước đông người. Và giáo viên cũng phải chịu áp lực làm sao đạt kỳ vọng của phụ huynh” bà Phan Hồ Điệp cho biết.
Cũng theo bà Hồ Điệp, việc phụ huynh vẽ nên bức tranh rất u ám trong đời sống nhà trường cũng sẽ khiến học sinh đến trường với tâm lý sợ hãi. Khi nỗi sợ càng cao thì chiếc lồng tâm thức hẹp lại, trẻ sẽ thiếu tự tin hơn, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận của trẻ.
Đề cập tới áp lực đối với giáo viên cấp Tiểu học, bà Đỗ Thúy Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch vọng B bày tỏ: Mỗi ngày, giáo viên Tiểu học ngày phải dạy 7 tiết với 7 giáo án, không chỉ dạy kiến thức mà còn phải chăm sóc bán trú. Họ đến trường từ 7h30’ và rời trường lúc 17h.
Áp lực công việc lớn như vậy nhưng họ còn chịu áp lực lớn nữa từ phụ huynh. Đằng sau mỗi em học sinh là 6 người theo dõi, gồm cha mẹ, ông bà nội, ngoại. Có những sự việc xảy ra rất nhẹ nhàng phụ huynh chưa có sự chia sẻ với giáo viên đã đưa lên cộng đồng mạng, thậm chí đơn thư thẳng lên cấp trên. Có phụ huynh không kết hợp với giáo viên trong chăm lo cho con em mình. Trường tôi có 30 học sinh tự kỷ học hòa nhập tại các lớp nhưng có phụ huynh thậm chí không chấp nhận thực tế về con mình mà còn đổ tại giáo viên và nhà trường.
Bà Đỗ Thúy Mai |
Không chỉ chịu áp lực từ phía phụ huynh, nhiều giáo viên hiện nay còn chịu áp lực từ phía chính học trò của mình. Đó là ý kiến của cô Hoàng Phương Ngọc, giáo viên trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
“Bên cạnh những học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn thì còn có những học sinh chỉ học tập ở mức trung bình. Nếu giáo viên dạy ở mức quá cao các em lại không hiểu. Có những em cá biệt về tính cách, về hoàn cảnh…
Trong một lớp học với nhiều trình độ học sinh, nhiều đặc điểm riêng như vậy, giáo viên chịu nhiều áp lực khi phải đáp ứng nhu cầu riêng của từng đối tượng, vừa phải có kiến thức, vừa phải tâm lý, và phải đối mặt với nhiều tình huống sư phạm. Giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức mà còn phải như chuyên gia tâm lý, lại phải như cha mẹ các em”, cô Phương Ngọc nói.
Cần bỏ áp lực về điểm số và thành tích
Giáo viên phải cảm thấy hạnh phúc thì họ mới có thể mang lại hạnh phúc cho học trò mình. Để giải tỏa áp lực cho giáo viên, bà Lệ Thu, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội kiến nghị các trường nên có giáo viên tư vấn tâm lý để hỗ trợ tâm lý cho không chỉ học sinh mà cho cả các giáo viên, phụ huynh.
Trên thực tế, việc giải tỏa tâm lý cho giáo viên cũng đã được một số trường áp dụng. Tại trường Tiểu học Dịch vọng B, quận Cầu Giấy, Hà Nội, theo bà Đỗ Thúy Mai, Hiệu trưởng nhà trường, để việc giảng dạy, chăm sóc học sinh hiệu quả, trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm với phụ huynh để phụ huynh hiểu hơn về phương pháp giáo dục của mình, từ đó chia sẻ những khó khăn hơn với giáo viên.
Ông Nguyễn Văn Hòa |
Mục tiêu của giáo dục phổ thông phải thay đổi, cần hướng tới mục tiêu chính là phải dạy người, không chạy theo thành tích điểm số. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường THCS &THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội.
“Ở cấp Tiểu học đã có Thông tư 22 về đánh giá học sinh rất đúng, bỏ đánh giá nặng về điểm số. Tuy nhiên, cấp THCS và THPT chưa làm được điều đó.
Chúng ta dán tem, dán nhãn sớm quá lên mỗi cá nhân khi xếp loại học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu kém. Nếu là học sinh yếu kém thì cả đời vẫn mang nhãn dán yếu kém đó. Các nước không làm như vậy, mỗi học sinh có một điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Phải thay đổi cơ chế gây ra áp lực với giáo viên chính là ở chỗ đó.
Về bình xét thi đua với giáo viên, trường THCS &THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội chỉ quan tâm tới 2 chỉ số là chỉ số hạnh phúc của học sinh và chỉ số tiến bộ so với chính học sinh đó, chứ không phải so với học sinh khác. Tổ tâm lý của trường mỗi năm 2 lần phải lấy được chỉ số đó và so sánh thi đua. Lớp nào có học sinh tiến bộ so với chính em đó, lớp nào học sinh hạnh phúc khi đi học, thì lớp đó được khen”, ông Hòa nhấn mạnh.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có các giải pháp sâu xa hơn. Giải pháp đó là phải đặt yếu tố đặc thù nghề nghiệp trong tuyển chọn sinh viên sư phạm để chọn được người yêu nghề, yêu trẻ. Trường sư phạm cũng phải tăng thời lượng để rèn đạo đức nhà giáo cho sinh viên, rèn cách xử lý cách tình huống sư phạm.
Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy phải bồi dưỡng giáo viên thường xuyên với những buổi bồi dưỡng, tập huấn thực chất chứ không chỉ hình thức như hiện nay. Ngoài ra, cơ chế đãi ngộ cũng phải đảm bảo để giáo viên có thể đảm bảo cuộc sống, chuyên tâm với nghề./.