3 dự án với hơn 300 tỷ đồng vốn đầu tư
Trong tháng 6, dự án Nhà máy sản xuất bao bì xi măng xuất khẩu của Công ty CP bao bì Sông La xanh chính thức đi vào hoạt động tại CCN huyện Đức Thọ (thuộc địa bàn 2 xã: Tùng Ảnh và Đức Long). Dự án được xây dựng trên diện tích 1,28 ha với tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng.
Sản xuất bao bì xi măng xuất khẩu tại Công ty CP bao bì Sông La xanh.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch công đoàn Công ty CP Bao bì Sông La xanh cho biết: “Thời gian qua, do vướng dịch Covid-19 nên tiến độ bị đình trệ. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định thì chúng tôi đẩy nhanh tiến độ và đã hoàn thành lắp đặt 2 nhà xưởng, chính thức đưa dây chuyền vào hoạt động trong tháng 6”.
Công ty CP Bao bì Sông La xanh hiện tạo việc làm cho hơn 100 lao động Hà Tĩnh.
Kế bên trụ sở của Công ty CP Bao bì Sông La xanh, dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Công ty TNHH May mặc xuất khẩu APPALTECH Hà Tĩnh cũng đang rộn ràng thi công, xây dựng. Dự án triển khai trên diện tích 6,3 ha với tổng mức đầu tư 138 tỷ đồng.
Song song với công tác xây dựng cơ bản, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu APPALTECH Hà Tĩnh cũng đang gấp rút tuyển dụng lao động và đào tạo công nhân. Công ty dự kiến tháng 9 tới sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy để đi vào sản xuất, tạo việc làm cho 3.500 lao động địa phương.
Công ty TNHH May mặc xuất khẩu APPALTECH Hà Tĩnh đang thi công, xây dựng nhà máy tại CCN huyện Đức Thọ.
Ngoài 2 dự án may xuất khẩu, trong tháng 3/2020, CCN huyện Đức Thọ còn tiếp nhận dự án trạm trộn bê tông của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải với tổng mức đầu tư 94,6 tỷ đồng.
Thời điểm này, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải đang gấp rút giải phóng 3,5 ha mặt bằng để triển khai xây dựng cơ bản. Theo kế hoạch, sau 4 tháng nữa, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Cần doanh nghiệp đầu tư hạ tầng
Với 3 dự án đã và đang triển khai, CCN huyện Đức Thọ đạt tỷ lệ lấp đầy 20% so với quy hoạch 68,17 ha. Đây thực sự là kết quả đáng ghi nhận của địa phương trong nỗ lực thu hút đầu tư. Theo dự kiến, 3 dự án sản xuất tại CCN huyện Đức Thọ sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn và các huyện lân cận, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.
Đường trục chính vào CCN huyện Đức Thọ mới chỉ được đắp nền đất.
Ông Đặng Giang Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: “CCN của huyện quy hoạch từ năm 2006 nhưng phải đến cuối năm 2018 mới có nhà đầu tư quan tâm. Theo quy định, các doanh nghiệp khi vào hoạt động tại CCN phải được đảm bảo cơ bản về hạ tầng nhưng vì thiếu nguồn lực nên huyện vẫn chưa đầu tư đồng bộ được”.
Trên thực tế, hạ tầng CCN huyện Đức Thọ hiện mới chỉ có đường trục chính do UBND huyện đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm cách đây hơn chục năm. Con đường này chưa được bê tông hóa và đang xuống cấp trầm trọng.
Chưa có kinh phí xây dựng, chính quyền địa phương phải “vá” đường vào CCN huyện bằng đá sỏi.
Muốn thu hút được doanh nghiệp thì phải đầu tư hạ tầng. Trước mắt, địa phương cần xây dựng con đường trục chính dài 1,8 km với kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh, huyện cần quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai làm đường. Ngoài ra, hệ thống điện, nước, xử lý môi trường… cũng cần được quan tâm để doanh nghiệp yên tâm vào cụm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Đặng Giang Trung, trong xu thế phát triển của các CCN hiện nay, đầu tư hạ tầng CCN cần hướng đến xã hội hóa. Nghĩa là, chính quyền địa phương sẽ thu hút “nhân tố” thực hiện đầu tư hạ tầng và khai thác.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Đức Thọ, mô hình doanh nghiệp đầu tư và khai thác hạ tầng CCN đã được triển khai hiệu quả tại CCN làng nghề Thái Yên. Vì vậy, thời gian tới, UBND huyện Đức Thọ sẽ tích cực kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư và khai thác hạ tầng CCN huyện.