Mùa hồng ở thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh thường bắt đầu từ giữa tháng 9 đến hết tháng 10. Giống hồng mà địa phương này trồng là loại hồng giòn không hạt - đặc sản của xã Đức Lĩnh.
Thời điểm này, hồng Yên Du bắt đầu chín rộ, người dân đang tất bật thu hoạch. Năm nay, hồng được mùa, được giá nên người dân rất phấn khởi.
Ông Trần Văn Hoàn cho biết: "Gia đình tôi trồng trên 200 gốc hồng, trong đó có gần 100 gốc đã cho quả, một số gốc đã có tuổi đời trên 60 năm".
Gia đình ông Hoàn là hộ trồng nhiều hồng và sở hữu nhiều gốc hồng cổ thụ nhất ở thôn Yên Du. Trong ảnh: Một gốc hồng có tuổi đời 65 năm của ông Hoàn, cho năng suất trên 2 tạ mỗi vụ.
Khi thu hoạch hồng trên những gốc cổ thụ, ông Hoàn cột chặt những cây tre, nứa to lên các thân cây...
... tạo thành những chiếc thang vững chắc để thu hái thuận lợi và đảm bảo an toàn....
"Năm nay mặc dù thời tiết nắng hạn kéo dài nhưng vườn hồng của gia đình vẫn trĩu quả, ước tính hết vụ thu hoạch được trên 2 tấn, với giá bán từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, vụ này gia đình thu về gần 80 triệu đồng", ông Hoàn phấn khởi nói.
Những quả hồng chắc nịch, vàng óng xen lẫn trong lá.
Người dân thôn Yên Du thường thu hoạch hồng khi vỏ quả đã hơi ngả sang vàng. Hồng không hạt Yên Du khi chín vỏ chuyển màu vàng, còn ruột có màu vàng đậm.
Theo nhiều người dân Yên Du, đây từng là loại quả đã cứu đói cho bà con. Bà Trần Thị Nguyệt chia sẻ: "Ngày trước, hồng là loại quả được người dân sử dụng để chống đói. Trải qua bao thăng trầm, hồng giờ đây đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương, được bà con trong làng lưu giữ, phát triển cho đến tận bây giờ".
Cũng theo bà Nguyệt, trước đây gia đình bà chỉ trồng hơn 30 gốc hồng, tuy nhiên, những năm gần đây, thấy sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình bà đã chiết ghép giống để trồng thêm. Hiện tại vườn hồng của bà đã có gần 200 gốc.
Nhiều hộ trồng hồng cho biết, cây hồng không hạt là loại cây khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, không cần nhiều công đầu tư chăm sóc, tưới tiêu.
Bà Nguyễn Thị Lý chia sẻ: "Những năm gần đây, sản phẩm được giá nên bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi. Vì không mất công, tiền đầu tư chăm sóc như cây cam, bưởi... nên thu nhập từ cây hồng mang lại khá. Gia đình tôi trồng gần 100 gốc hồng, vụ này ước tính thu về khoảng gần 1 tấn, cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng".
Những quả hồng giòn Yên Du khi hái trên cây xuống, được người dân để nguyên núm quả, rửa sạch rồi ngâm với nước ngập trong chậu nhựa, chum sành hoặc nồi lớn.
Hồng ở Yên Du được người dân ngâm hoàn toàn bằng nước lạnh, không sử dụng hóa chất để kích thích quả chín. Mỗi ngày phải thay nước một lần, nếu không thịt quả sẽ có vị chát. Sau khoảng 2 ngày 2 đêm thì vớt quả ra để ráo là có thể ăn được.
Bà Trần Thị Nguyệt cho biết: "Với cách ngâm hồng truyền thống của người dân Yên Du, hồng ngâm được đảm bảo an toàn và giữ được nhiều giá trị dinh dưỡng, mang lại hương vị thơm ngon, giòn, ngọt. Đợt thu hoạch cao điểm này, mỗi ngày bà cung cấp cho tiểu thương và khách đặt khoảng 50 - 100 kg".
Hồng không hạt Yên Du được khách hàng ưa chuộng vì chất lượng tốt. Chính khí hậu, chất đất và nguồn nước ở Yên Du đã khiến cho những quả hồng nơi đây có vị giòn đặc trưng mà những vùng miền khác không có được.
Hồng Yên Du có vị ngọt, thơm và rất giòn, lại không có hạt như những loại hồng khác nên được nhiều người ưa thích.
Cây hồng được người dân thôn Yên Du trồng từ hơn 60 năm trước. Đến nay, thôn có 80 hộ trồng hồng, với diện tích trên 35 ha. Năm nay, mặc dù thời tiết nắng hạn kéo dài nhưng người trồng hồng ở thôn Yên Du vẫn bội thu, ước tính sản lượng hết vụ đạt trên 20 tấn, giá trị ước đạt gần 1 tỷ đồng.
Để xây dựng thương hiệu hồng không hạt Yên Du, hiện xã đang hoàn thiện hồ sơ sản phẩm để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm, phấn đấu đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh vào cuối năm 2020, nhằm mang những quả hồng giòn ngọt, đảm bảo chất lượng của Vũ Quang đến gần hơn với người tiêu dùng",