Với sự hỗ trợ của SRDP, HTX Thủy sản Diêm Hải (Thạch Bàn - Thạch Hà) ngày càng hoạt động hiệu quả.
Được triển khai cùng thời điểm (2014) nhưng nếu so với 115 dự án đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA), số dự án đầu tư theo mô hình hợp tác công tư lại khá khiêm tốn, triển khai chậm và hiệu quả kinh tế cũng là vấn đề... đáng “suy ngẫm”. Sau ngần ấy năm thực hiện mới chỉ có 8 dự án PPP với tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 15 tỷ đồng.
Ở thời điểm hiện tại, ngoại trừ 1 dự án đang chờ UBND tỉnh phê duyệt, 4 dự án mới được triển khai từ tháng 8/2017. Nhưng nhìn vào 3 dự án đã được thực hiện, không ít người trong cuộc cảm thấy lo lắng bởi trong số đó chỉ có 1 dự án mang lại hiệu quả. Đó là dự án PPP được thực hiện giữa SRDP (dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo) với “đối tác chiến lược” là HTX Thủy sản Diêm Hải (Thạch Bàn, Thạch Hà).
Có nguồn vốn đầu tư cao hơn với 2,1 tỷ đồng, dự án trồng dược liệu giữa Công ty CP Dược Hà Tĩnh với các HTX, tổ hợp tác Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên), Thạch Vĩnh (Thạch Hà) từ khi triển khai được xem như là cơ hội đổi đời cho người dân. Thế nhưng, hiện dự án đang lâm vào bế tắc. Nhiều thành viên HTX chẳng thiết tha trồng 2 loại dược liệu này, thậm chí một số diện tích đất trồng đã bị bỏ hoang. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có khá nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do Công ty CP Dược Hà Tĩnh đơn phương phá vỡ hợp đồng khi hạ giá thu mua từ 18.000 đồng/kg xuống chỉ còn 14.000 đồng.
Có nguồn hỗ trợ từ SRDP nhưng dự án trồng dược liệu giữa Công ty CP Dược Hà Tĩnh với các HTX, tổ hợp tác đang bế tắc vì người dân thiếu mặn mà
Dự án phát triển mô hình chăn nuôi thỏ quy mô nông hộ và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ thịt thỏ tại xã Sơn Trường (Hương Sơn) do Công ty CP Thương mại sản xuất thực phẩm Hà Nội thực hiện với tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng (SRDP tài trợ 2,1 tỷ đồng) hiện cũng đang… “chết lâm sàng”.
Theo cán bộ dự án SRDP phụ trách huyện Hương Sơn Đậu Mạnh Đức thì “giai đoạn cao điểm nhất có trên 100 hộ nuôi thỏ nhưng hiện tại chỉ còn 5 hộ nuôi cầm chừng, nên nhà máy chế biến thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng then cài” vì không có nguyên liệu”.
Trách nhiệm của SRDP là thúc đẩy hợp tác công tư nhằm mục tiêu phát triển chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho hộ nông dân; đồng thời, xây dựng mối liên kết có lợi nhuận trong các lĩnh vực nông thôn giữa DN với người dân thông qua HTX, tổ hợp tác. Vì vậy, thành công của PPP phụ thuộc vào 2 chủ thể chính là người dân và DN. Tuy nhiên, khó ở chỗ là tư duy “ăn xổi” bám rễ trong người dân nên chỉ chú trọng vào lợi nhuận trước mắt mà không tính hậu quả lâu dài.
Nhiều hộ cho rằng, có dự án là có tiền và “tiền chùa” nên vấn đề được - mất không quan trọng. Trong khi đó, “các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hạn chế cả về năng lực kỹ thuật lẫn năng lực tài chính nên mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của nhà tài trợ khi lập dự án đầu tư”.
Phó Trưởng phòng Chuỗi và Phát triển thị trường Dự án SRDP Phan Thị Tuyết Mai cho hay: Tuyên truyền, vận động và định hướng xây dựng mối liên kết là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng thực tế không ít xã tỏ ra thờ ơ, thiếu mặn mà. Đặc biệt, do khó tiếp cận mặt bằng để đầu tư, thiếu quy hoạch sản xuất vùng, quy hoạch ngành nghề nên việc triển khai các dự án trở nên khó khăn hơn. Thực tế cho thấy, việc xem xét, khảo sát lập dự án mất rất nhiều thời gian vì nhìn đâu cũng… “vướng”. Đó là chưa nói đến Hà Tĩnh là địa bàn thường xuyên hứng chịu hậu quả thiên tai, những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khiến người dân và DN không dám “mạo hiểm” đầu tư.