Cảng cá nhộn nhịp khi tàu vào bến
Tờ mờ sáng, chợ cá Thạch Kim (Lộc Hà) đã trở nên nhộn nhịp khi những con tàu khai thác xa bờ cập bến “đổ hàng”. Những thúng cá gai, cá thu, từng khay mực đầy ắp… vừa cập bến là các “thương lái” mua hết. Gương mặt rạng ngời của ngư dân Trần Nam Bằng (xóm Sơn Bằng - Thạch Kim) trên con tàu 45 CV sau chuyến ra khơi dài ngày trở về, cá, mực đầy khoang, bán được gần 145 triệu đồng.
“Sau 12 ngày đi câu tại vùng biển Hải Phòng, thuyền chúng tôi khai thác được sản lượng kha khá. Chủ yếu là những sản phẩm cá vùng đáy như thu, ngừ, trôi, đốm và đò… mang lại giá trị kinh tế cao. Trời yên, biển lặng thế này, chắc chỉ nghỉ ngơi 2 ngày là anh em chúng tôi lại tiếp tục bám biển thôi” - ông Bằng vui vẻ nói.
Ngư dân phấn khởi sau một chuyến xa khơi
Không chỉ tàu ông Bằng mà nhiều tàu thuyền xa bờ khác ở Thạch Bằng, Thạch Kim đều mang về lượng hải sản dồi dào. Mặc dù giá đợt này có giảm nhưng hầu như thuyền nào cũng có lãi. Mỗi chuyến ra khơi khoảng 1 tuần, các thuyền viên có 7-10 triệu đồng/người, ai nấy đều phấn khởi.
Đang đánh cá vụ bắc ở vùng biển Thanh Hóa cách bờ 120 hải lý, ngư dân Trần Quốc Dũng (xóm Hội Thái, xã Xuân Hội, Nghi Xuân) gọi điện báo tin vừa khai thác được vài tấn cá căng, cá dìa, cá mu nục và mực. Anh Dũng cho biết: Cặp tàu xa bờ của anh có công suất 1.500 CV làm nghề dạ kéo với 20 lao động. Sau những ngày nghỉ do biển động, tàu của anh ra khơi đến nay được hơn 7 ngày, hải sản bán được 300 triệu đồng, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng…
Vụ cá bắc bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau. Vào mùa này, nước biển lạnh, cá thường ra xa bờ nên chủ yếu khai thác các loại tầng đáy với nghề lồng bẫy, dạ kéo, câu, rê đáy... Vụ cá bắc có số ngày hoạt động ít hơn do gió mùa, biển động, bà con ngư dân thường vào các vùng biển có nhiều đảo như Cô Tô (Quảng Ninh) hoặc vùng biển từ Đà Nẵng trở vào để đánh bắt. Đây là vụ cá phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên sản lượng đạt ít nhưng giá trị kinh tế cao.
Tiểu thương thoải mái thu gom hàng đưa đi tiêu thụ
Theo ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, ngành thủy sản kỳ vọng, vụ cá bắc này, ngư dân trên địa bàn tỉnh sẽ khai thác 13.400 tấn, trong đó, khai thác biển 12.000 tấn, khai thác nội địa 1.400 tấn, giá trị đạt hơn 402 tỷ đồng.
“Vụ cá bắc, chúng tôi tiếp tục rà soát số lượng tàu thuyền tham gia đánh bắt hải sản trên biển, nắm bắt tình hình sản xuất và ngư trường hoạt động. Ngành cùng các địa phương tập trung huy động tối đa đội tàu thuyền ra khơi bám biển, giảm chi phí để nâng cao hiệu quả đánh bắt. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn cho hàng trăm lượt ngư dân và cán bộ phụ trách thủy sản các huyện, xã ven biển về các quy định của Nhà nước trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các quy định về an toàn tàu cá trên biển. Mặt khác, phối hợp với các cấp, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên sông, trên biển, kiên quyết xử lý tàu vi phạm quy định trong đánh bắt hải sản. Chúng tôi cũng khuyến cáo ngư dân đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ lẫn nhau khi thời tiết biến động, đồng thời, giúp nhau ổn định đầu ra sản phẩm” - ông Nguyễn Tông Thắng nói.
Thời tiết thuận lợi, ngư trường dồi dào là những tín hiệu vui bước đầu sau gần 1 tháng bước vào khai thác cá vụ bắc. Tin rằng, ngư dân trong tỉnh sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng nhau vươn khơi bám biển, mang về nhiều hải sản.
Clip ngư dân Lộc Hà khai thác vụ cá bắc: