Những điểm dừng chân ấn tượng
Quần thể khu du lịch Hải Thượng - nơi dừng chân lý tưởng (Ảnh: Ánh Dương)
Khu du lịch sinh thái Hải Thượng ở vị trí thơ mộng, một bên là núi Minh Tự sừng sững, một bên là dốc Truông Mung trải dài như một nàng tiên xinh đẹp say ngủ. Xa xa là chùa cổ Nhiễu Long. Khu du lịch gắn liền với quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - quần thể trải dài trên cung đường gần 8 km, điểm khởi đầu là khu mộ Lê Hữu Trác tại thôn 7, xã Sơn Trung; điểm giữa là chùa Tượng Sơn tọa lạc bên sông Ngàn Phố, xã Sơn Giang; điểm cuối là nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại thôn 8, xã Quang Diệm.
Lãnh đạo huyện Hương Sơn tham quan dịch vụ tắm bùn khoáng nóng tại khu du lịch sinh thái Hải Thượng. Ảnh tư liệu
Ông Lê Nhật Tân - Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Quý Gia chia sẻ: “Khu du lịch sinh thái Hải Thượng được đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng với tổng diện tích gần 20 ha, nổi bật giữa màu xanh kỳ vĩ của đại ngàn Trường Sơn với quần thể kiến trúc khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí để du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống nhưng không kém phần hiện đại.
Hằng năm, nơi đây đón tiếp hàng nghìn lượt du khách dừng chân trải nghiệm các dịch vụ như: cà phê nhạc nước, tắm bùn khoáng nóng, tắm thác tiên cảnh, bể bơi bốn mùa; tham quan check-in tại công viên tượng 18 vị La Hán, công viên núi Đá Bàn và tái hiện đường mòn Hồ Chí Minh thời kháng chiến. Doanh thu bình quân của công ty đạt 10 - 12 tỷ đồng/năm”.
Suối nước nóng ở Sơn Kim trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách gần xa. Ảnh: Minh Lý
Dọc theo quốc lộ 8A lên phía Tây biên giới Việt - Lào là suối nước nóng Sơn Kim len lỏi giữa khu rừng nguyên sinh, tách biệt hẳn với sự ồn ào của phố thị. “Năm nào tôi cũng cùng gia đình đến đây. Thật thú vị khi ngâm đôi chân dưới dòng nước nóng và vùi trứng gà dưới lớp cát nóng để thưởng thức ngay bên bờ suối” - chị Nguyễn Hoài Thương ở TP Vinh (Nghệ An) cho hay.
Ngay ở thị trấn Phố Châu, Trung tâm Thể thao Bách Đại Dũng được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng dự án khu sinh thái cây xanh và Câu lạc bộ Thể thao Bách Đại Dũng, trên diện tích hơn 14.000 m2. Nơi đây cũng là điểm đến để người dân tới thư giãn, giải trí, chăm sóc sức khỏe…
“Thức dậy” tiềm năng, lợi thế
Thu hoạch chè ở Nông trường Tây Sơn. Ảnh: Văn Bảy
Đến Hương Sơn rất thuận lợi bởi hệ thống giao thông kết nối quốc lộ 1A với Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Vùng đất Hương Sơn được xem là vị trí chiến lược trong phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là vùng kinh tế quá cảnh của nước bạn Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan thông qua quốc lộ 8A.
Qua thị trấn Phố Châu, thị trấn Tây Sơn, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay về kinh tế, hệ thống cửa hàng, siêu thị mini, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ... ngày càng nhộn nhịp. Toàn huyện hiện có hơn 500 doanh nghiệp, 145 HTX; 5.552 hộ cá thể bán buôn, bán lẻ; 421 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống.
Hươu sao Hương Sơn giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Ảnh: Minh Lý
“Dẫu giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ của huyện trong năm 2020 đạt 4.540 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội tăng 3,38% so với cùng kỳ, ước đạt 3.980 tỷ đồng... nhưng đây chưa phải là con số mong đợi so với tiềm năng, lợi thế của huyện.
Xuất phát từ tiềm năng đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục đề ra chiến lược thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng đa dạng hóa và văn minh, hiện đại”, ông Trần Quang Hòa, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hương Sơn chia sẻ.
Hương Sơn có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Quang Thọ - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, thu hút đầu tư và huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những giải pháp mà địa phương đang tích cực thực hiện để tạo đột phá. Đồng thời, huyện cũng ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh lớn, có thương hiệu đến đầu tư phát triển.
Tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch trên cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế đặc thù của địa phương như: du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch sinh thái, trải nghiệm nghỉ dưỡng - chữa bệnh; du lịch tâm linh, tín ngưỡng...