Chiều 7/4, UBND huyện Hương Sơn tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022.
Để quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong năm 2021, huyện Hương Sơn tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời ký cam kết với 3.800 em học sinh và 1.265 hộ dân ở gần rừng thực hiện tốt công tác BVR-PCCCR.
Trong năm, lực lượng chức năng huyện Hương Sơn phát hiện, xử lý 52 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; tịch thu 65.455 m3 gỗ các loại, 287.5 kg động vật rừng; thu nộp ngân sách 212 triệu đồng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn Nguyễn Văn Thành báo cáo công tác BVR - PCCCR năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022.
Nhìn chung an ninh rừng được đảm bảo, trên địa bàn không xảy ra điểm nóng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, trong năm 2021 trên địa bàn huyện không xảy ra các điểm phát lửa gây cháy rừng.
Các địa phương, chủ rừng triển khai trồng mới được 1.250 ha rừng, chăm sóc 2.872 ha rừng trồng; 100% diện tích rừng phòng hộ được khoán bảo vệ; trồng hơn 920.000 cây phân tán.
Đến cuối năm 2021, diện tích rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện là 84.615,32 ha, diện tích có rừng 77.663,94 ha, tỷ lệ che phủ đạt 71,09%.
Các địa phương tham gia hội nghị theo hình thức trực tuyến.
Ông Nguyễn Hữu An – Trường BQL rừng phòng hộ sông Ngàn Phố: Năm 2022, đơn vị kiện toàn lại tổ tuần tra, trực gác, tăng cường lực lượng kiểm soát với phương châm: "Bảo vệ rừng tận gốc".
Tại hội nghị, đại diện một số địa phương đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như: công tác bảo vệ rừng tại gốc chưa được tập trung cao; tình trạng sẻ phát, cải tạo rừng trái phép, chuyển đổi rừng sang sản xuất trái quy định vẫn còn xảy ra; còn tiềm ẩn nguy cơ phá rừng để trồng cây nguyên liệu gỗ (năm 2021 xảy 16 vụ phá rừng trái pháp luật bị xử lý).
Năm 2022, huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị xác định khu vực trọng điểm để quản lý, bảo vệ, PCCCR trong mùa nắng nóng. Trong đó, vùng trọng điểm nguy cơ cao chặt phá rừng ở các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng và Sơn Tây; vùng trọng điểm có nguy cơ cao về cải tạo, phá rừng trái pháp luật là diện tích rừng tự nhiên nghèo đã giao, khoán cho hộ gia đình và hơn 8,4 ha rừng trồng có thảm thực bì dễ cháy như thông, keo…
Ông Hoàng Quốc Huấn - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Năm 2022, huyện cần đổi mới công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân; bố trí lực lượng, phương tiện hợp lý để chủ động PCCCR đạt hiệu quả cao.
Huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng phương án BVR - PCCCR cụ thể, sát đúng với tình hình thực tế của từng địa phương.
Vào mùa nắng nóng cao điểm (tháng 4 đến tháng 8), Ban Chỉ đạo huyện bố trí lực lượng trực nghiêm ngặt 24/24 giờ trong ngày, đảm bảo thông tin liên lạc, báo động kịp thời để huy động lực lượng chữa cháy khi cần thiết.
Ông Nguyễn Quang Thọ - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn: Đề nghị Hạt Kiểm lâm, các đơn vị liên quan cùng chủ rừng xác định vùng trọng điểm nguy cơ cao để từ đó xây dựng kế hoạch, phương án sát đúng với tình hình thực tế của địa phương nhằm quản lý, bảo vệ và PCCCR cho gần 85.000 ha rừng trong năm 2022.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp; tiếp tục hoàn thiện công tác giao đất giao rừng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản...
Dịp này, UBND huyện Hương Sơn tặng giấy khen cho 8 tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2021.