Đầu tư cho doanh nghiệp phát triển là một trong những mục tiêu lớn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh. BIDV hiện là một trong những đơn vị có dư nợ doanh nghiệp lớn nhất trên địa bàn.
Dư nợ doanh nghiệp của BIDV Hà Tĩnh hiện đạt trên 3.500 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Trang - Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp II, BIDV Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Dựa trên tiềm lực của doanh nghiệp và những triển vọng trong phương án sản xuất kinh doanh, BIDV luôn tạo điều kiện về thủ tục, hồ sơ, ưu tiên nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển. Dư nợ doanh nghiệp của đơn vị hiện đạt trên 3.500 tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng dư nợ với hơn 300 khách hàng doanh nghiệp thụ hưởng. Đồng hành gỡ khó cho doanh nghiệp, trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, BIDV đã chủ động cắt giảm lợi nhuận, triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi - phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch…”.
Cùng với BIDV, những “ông lớn” như: Agribank, Vietinbank, Vietcombank cũng đã xây dựng lộ trình và triển khai khá hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Công ty CP Bao Bì Sông La Xanh (Cụm Công nghiệp Đức Thọ) là một trong những doanh nghiệp có tiềm lực ở Hà Tĩnh. Để có doanh thu hàng trăm tỷ đồng với thương hiệu bao bì được nhiều quốc gia đón nhận như hiện nay, doanh nghiệp này đã nhận được “sự hậu thuẫn đắc lực” của ngân hàng.
Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Bao bì Sông La Xanh.
Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Bao bì Sông La Xanh Phan Trí Nghĩa, từ những ngày đầu thành lập, Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh đã “rót” 40 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư xây hạ tầng giai đoạn 1 trên diện tích 1,28 ha.
Mới đây nhất (tháng 6/2022), ngân hàng cũng đã "bơm vốn" để doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng diện tích hơn 3.500 m2 với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Không chỉ đồng hành trong “chiến lược đầu tư dài hơi”, giai đoạn doanh nghiệp đối mặt khó khăn do COVID-19, ngân hàng còn chủ động giảm 1% lãi suất cho vay/năm đối với dư nợ cũ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Qua đó, giúp doanh nghiệp tăng vốn lưu động, tiếp tục duy trì ổn định chuỗi sản xuất cũng như đảm bảo chế độ cho người lao động.
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng ACB Hà Tĩnh.
Hiện nay, ngành ngân hàng Hà Tĩnh đang nỗ lực triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đây được ví như “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp, hợp tác xã… có thêm nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19.
Với các giải pháp quyết liệt như: đẩy mạnh truyền thông chính sách đến khách hàng, doanh nghiệp để nắm và sớm tiếp cận; rà soát các khoản vay được giải ngân trong năm 2022 mà khách hàng có đơn đề nghị được hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Chi nhánh Hà Tĩnh là 1 trong 2 “nhà băng” đầu tiên của Hà Tĩnh phát sinh dư nợ ở gói vay hỗ trợ lãi suất 2%.
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ AZ Home HT (TP Hà Tĩnh) chuyên sản xuất, lắp đặt cửa nhôm kính, phân phối vật liệu xây dựng. Giai đoạn 2020 – 2021, doanh thu của đơn vị này sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng dịch bệnh. Trong khi doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo các chi phí duy trì hoạt động, giữ chân người lao động, trả lãi ngân hàng… nên gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, khi được Ngân hàng ACB Hà Tĩnh giải ngân gói vay bù lãi suất 2%, doanh nghiệp rất phấn khởi.
Bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ AZ Home HT cho biết: “Muốn tiếp cận gói vay bù lãi suất 2%, doanh nghiệp phải vượt qua các yêu cầu khắt khe về hồ sơ, hóa đơn chứng từ trong kinh doanh phải đầy đủ. Ngân hàng ACB đã hỗ trợ để doanh nghiệp được cấp hạn mức cho vay 4 tỷ đồng và chúng tôi vừa được giải ngân 1 phần theo gói hỗ trợ đó. Từ đây, doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao doanh thu trong giai đoạn mới”.
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ AZ Home HT (TP Hà Tĩnh) chuyên sản xuất, lắp đặt cửa nhôm kính, phân phối vật liệu xây dựng.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng ACB Hà Tĩnh Đặng Đình Chiến, tín dụng doanh nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên của chi nhánh với dư nợ doanh nghiệp hiện đạt 770 tỷ đồng. Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, thời gian tới, ACB tiếp tục tạo điều kiện để phát triển tín dụng ở lĩnh vực này, đặc biệt triển khai các giải pháp để nhiều doanh nghiệp được tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất.
Ngoài khối ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có các động thái hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi, phát triển. Theo đó, đã giải ngân cho 9 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với doanh số cho vay đạt 5,486 tỷ đồng. Hiện nay, gói cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg mà Ngân hàng CSXH đang triển khai cũng góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sau đại dịch.
Dư nợ doanh nghiệp của Hà Tĩnh hiện đạt khoảng 27.843 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, ngay từ đầu năm, Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Theo đó, tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đồng thời hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Theo đó, dư nợ cho vay toàn địa bàn đến 28/9/2022 đạt 88.079 tỷ đồng, tăng 22,71% so với cuối năm 2021, vượt kế hoạch tăng trưởng năm 2022 (mục tiêu tăng trưởng đề ra 15-17% so với cuối năm 2021). Trong đó, dư nợ doanh nghiệp đạt khoảng 27.843 tỷ đồng, tăng 29,45% so với đầu năm”.