Nhằm phát triển thể thao Hà Tĩnh, đặc biệt là bộ môn bóng đá, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh đã tham mưu một số chính sách hỗ trợ để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 10, khóa XVII sắp tới. Theo đó, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 66/2017/NQ-HĐND tỉnh quy định chính sách, chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao.
Dự thảo chính sách mới sẽ quy định cụ thể về chế độ tiền công, BHXH, BHYT, trợ cấp đối với huấn luyện viên, VĐV thể thao trong thời gian tập tuyện, tập huấn và thi đấu theo quy định của Chính phủ; tăng mức hỗ trợ tiền công đối với HLV môn bóng chuyền để phù hợp với điều kiện thực tế; bổ sung chế độ khen thưởng đối với các giải trẻ thế giới, châu Á, khu vực Đông Nam Á; tăng mức thưởng đối với đội bóng chuyền nếu vô địch giải quốc gia; bổ sung chế độ khen thưởng đối với đội tuyển bóng đá…
Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh Bùi Xuân Thập báo cáo nội dung dự thảo đề án phát triển bóng đá.
Đồng thời, Sở VH-TT&DL cũng tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển bóng đá Hà Tĩnh đến năm 2030. Đề án nhằm mục tiêu phát triển bóng đá theo hướng toàn diện và bền vững. Đẩy mạnh phát triển bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng trên địa bàn dân cư, tạo điều kiện và khuyến khích tập luyện bóng đá đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên nhằm nâng cao sức khỏe, thể chất và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Văn Trọng: Đối với chính sách hỗ trợ huấn luyện viên, VĐV nghiệp dư cần xem xét phương án xã hội hóa.
Theo đề án, Hà Tĩnh từng bước xây dựng hệ thống đào tạo bóng đá có đủ các tuyến từ U11 đến U21; trước mắt, ưu tiên bóng đá nam, tạo nền tảng và cung cấp VĐV cho CLB bóng đá chuyên nghiệp; về lâu dài, nòng cốt cơ bản của CLB chuyên nghiệp là các VĐV người Hà Tĩnh.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển: Đề án phát triển bóng đá cần chi tiết hơn do một số điểm còn chung chung, giải pháp một số lĩnh vực đề cập chưa sâu.
Dự thảo đề án phát triển bóng đá cũng xây dựng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện. Theo đó, xây dựng chương trình phát triển bóng đá học đường trong các trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn tỉnh; phát triển mạng lưới câu lạc bộ cơ sở; tổ chức huấn luyện, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ huấn luyện viên, VĐV đội 1 cũng như các lứa U; cải thiện cơ sở hạ tầng đảm bảo phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Huy động các nguồn xã hội hóa phục vụ cho đội bóng đá chuyên nghiệp tập luyện, thi đấu...
Cũng trong chiều nay, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã báo cáo một số khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 96/2018/NQ-HĐND về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; đề xuất sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh biểu dương và ghi nhận Sở VH-TT&DL trong việc tham mưu các văn bản; đồng thời đề nghị tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản để trình HĐND tỉnh theo quy định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, về việc ban hành chính sách quy định chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, VĐV thành tích cao, cần bám sát nội dung Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 của Chính phủ.
Về chính sách phát triển bóng đá Hà Tĩnh, đây là nội dung quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh phát triển bóng đá chuyên nghiệp còn góp phần phát triển bóng đá học đường, bóng đá phong trào tại địa phương. Để hoàn thiện đề án, Sở VH-TT&DL cần xem xét thêm một số nội dung liên quan đến lộ trình thực hiện; xây dựng phương án quản lý bóng đá nghiệp dư. Sở Tài chính nghiên cứu, góp ý thêm về các mức hỗ trợ cụ thể.