Chiều 26/8, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh giám sát chuyên đề “Kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020” tại huyện Kỳ Anh. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cùng dự.
Đoàn đã đi kiểm tra, khảo sát tại một số cơ sở sản xuất như: Bánh đa vừng Kỳ Anh (Kỳ Giang), HTX thu mua chế biến thủy hải sản Phú Khương (Kỳ Xuân), HTX Thu mua chế biến thủy hải sản Kỳ Phú.
Đoàn khảo sát cơ sở sản xuất bánh đa vừng Kỳ Anh...
Theo báo cáo của huyện Kỳ Anh, sau 2 năm triển khai chương trình, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp và đặc biệt là các chủ thể sản xuất, huyện Kỳ Anh đã có 11 cơ sở tham gia với 16 sản phẩm.
Năm 2019, huyện Kỳ Anh có 10 sản phẩm của 8 cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia, trong đó có 9 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao gồm: nước mắm Phú Khương, nước mắm Kỳ Phú, cá khô Đỉnh Miện, xúc xích Hoàng Phát, cam Khe Xai, sứa Kỳ Khang, nước mắm Trung Khang và sứa ăn liền Trung Khang, nước mắm Bà Lý.
Năm 2020, có 9 sản phẩm được tỉnh chấp thuận tham gia Chương trình (trong đó 2 sản phẩm nâng cấp lên 4 sao, 1 sản phẩm tham gia lại, 6 sản phẩm tham gia mới), đến nay các cơ sở đang gấp rút nâng cấp nhà xưởng, lắm đặt thêm các dây chuyền công nghệ vào sản xuất, hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị cho việc đánh giá phân hạng sản phẩm đợt 1/2020.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Phạm Văn Dũng báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 của huyện Kỳ Anh.
Phát biểu tại cuộc làm việc các đại biểu cho rằng, trước khi tham gia chương trình OCOP, các cơ sở chủ yếu sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thu rất hạn chế; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp hiện có trên địa bàn còn ở mức khiêm tốn.
Anh Phan Văn Duẫn - chủ hộ sản xuất bánh đa vừng Kỳ Anh mong muốn được sự quan tâm của các cấp và có chính sách hỗ trợ để sản phẩm của gia đình sớm được công nhận sản phẩm OCOP
Sau khi tham gia Chương trình, các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại, tạo hệ thống liên kết trong sản xuất và bán hàng, nhờ vậy, sản lượng sản xuất tăng lên đáng kể.
Bà Lê Thị Khương – Giám đốc HTX thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương cảm ơn sự giúp đỡ của các cấp các ngành đã quan tâm, giúp đỡ cho HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm nước mắm Phú Khương có uy tín trên thị trường.
Các đại biểu nêu lên một số tồn tại, khó khăn như: Chương trình OCOP là chương trình mới tiếp cận, trong điều kiện cán bộ trực tiếp chỉ đạo thực hiện vừa thiếu vừa hạn chế về kiến thức chuyên môn nên bước đầu lúng túng, khó khăn dẫn đến việc hướng dẫn các cơ sở làm hồ sơ chậm.
Phó Bí thư Thường trực huyện Kỳ Anh Nguyễn Tiến Hùng tham gia ý kiến xây dựng chất lượng sản phẩm OCOP
Các cơ sở tham gia OCOP tuy rất quyết tâm, tự lực, tự cường nhưng thiếu về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, nhất là kiến thức tiếp cận thị trường, truy xuất nguồn gốc... Khi tham gia OCOP, phải nâng cấp trang thiết bị, nâng sản lượng, chất lượng, cần nguồn vốn lớn, mặt bằng rộng nên gặp nhiều khó khăn.
Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Nguyễn Hữu Dực: “Các cơ sở sản xuất cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm...".
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y ghi nhận, đánh giá và biểu dương cao những kết quả mà huyện Kỳ Anh và các chủ cơ sở sản xuất đã đạt được trong thời gian qua, đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ học hỏi và vươn lên của bà con trước những điều kiện khó khăn. Các cơ sở đã dành được nhiều kết quả khả quan trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các ban, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện, mô hình nào phải dừng, mô hình nào tiếp tục nhân lên, từ đó tìm giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, nhu cầu của người tiêu dùng và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.