Những tiến bộ của y học đã góp phần kéo dài thời gian sống, tiếp thêm động lực để chữa trị cho các bệnh nhân mắc bệnh đa u tủy xương.
Theo thống kê năm 2022 của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), tổng số ca mắc bệnh đa u tủy xương trên toàn cầu là 538.948 ca, số ca mắc mới là 187.952 ca.
Còn tại Việt Nam, tổng số ca đa u tủy xương vào năm 2022 là 1.643 ca, số ca mắc mới là 607 ca, và ghi nhận nhiều ca tử vong.
Gánh nặng từ căn bệnh đa u tủy xương
Tiến sỹ-bác sỹ Bạch Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam, cho biết bệnh đa u tủy xương (Multiple Myeloma) là bệnh máu ác tính, thường gặp ở người trên 65 tuổi.
Bệnh đặc trưng bởi sự tăng sinh tích lũy ác tính tế bào dòng plasmo trong tủy xương và một số cơ quan khác. Điều này dẫn đến tình trạng hình thành các ổ tiêu xương, làm cho người bệnh bị gãy xương bệnh lý.
Không chỉ vậy, bệnh nhân còn có nguy cơ bị tổn thương nhiều cơ quan dẫn đến suy thận, thiếu máu, tăng nồng độ canxi trong máu cùng các tình trạng khác như nguy cơ nhiễm trùng cao...
Biểu hiện bệnh trong giai đoạn khởi phát là mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, đau nhức xương khớp nhẹ. Những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh khác nên bệnh thường khó được phát hiện ở giai đoạn đầu.
Khi bệnh trở nặng, người bệnh sẽ suy nhược hoàn toàn, đau nhức xương khớp đến mức không thể vận động được và thường sẽ tử vong trong vòng từ 2-5 năm kể từ khi được chẩn đoán.
Tuy bệnh đa u tủy xương là một bệnh lý nguy hiểm, song y học Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc điều trị căn bệnh này. Hầu như các bệnh viện tuyến đầu về khám và điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam hiện nay đều có khả năng điều trị đa u tủy.
Sau khi chẩn đoán, các bác sỹ sẽ xác định phương pháp điều trị cho bệnh nhân dựa trên nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, tổng trạng bệnh nhân và nhu cầu của bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị có thể bao gồm hóa trị; liệu pháp nhắm trúng đích; liệu pháp miễn dịch; ghép tế bào gốc; xạ trị và chăm sóc hỗ trợ để điều trị các triệu chứng, biến chứng của bệnh.
Những phương pháp này có chi phí khá cao và yêu cầu bệnh nhân phải tuân thủ phác đồ điều trị, đòi hỏi nhập viện, lưu trú thường xuyên.
Trong quá trình điều trị, do các triệu chứng của bệnh, biến chứng và tác dụng phụ của phương pháp điều trị, hầu hết người bệnh gặp những vấn đề về sức khoẻ, hạn chế vận động… nên cần sự chăm sóc, hỗ trợ của người thân, nhân viên y tế.
Điều này dẫn đến việc tạo ra gánh nặng về tài chính, tinh thần cũng như hao tốn nhiều thời gian của cả bệnh nhân và người thân. Tuy nhiên, các vấn đề này có thể cải thiện khi cơ thể bệnh nhân đáp ứng phác đồ điều trị.
Hy vọng mới từ phác đồ bộ ba đường uống
Theo giới chuyên gia, việc điều trị đa u tủy xương trên thế giới đã có tín hiệu lạc quan, với sự ra đời của nhiều loại thuốc mới. Trong đó, có những phác đồ đường uống mang lại tính hiệu quả, an toàn và thuận tiện, giúp bệnh nhân, gia đình giảm bớt gánh nặng do nhập viện kéo dài, từ đó duy trì chất lượng cuộc sống.
Liệu pháp kết hợp này đã được phê duyệt ở Hoa Kỳ và châu Âu trong điều trị bệnh đa u tủy xương tái phát hoặc kháng trị.
Đây là tia hy vọng mới đối với cả bệnh nhân mắc đa u tủy xương và người thân, tiếp thêm nghị lực chiến đấu với căn bệnh này. Kết hợp cùng thăm khám và được chăm sóc y tế thường xuyên, bệnh nhân nhờ đó đã kéo dài thời gian sống trong nhiều năm.
Trong nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng bệnh nhân và người thân mắc đa u tủy xương, bác sỹ Thân Trọng Sơn, Giám đốc Y khoa Takeda Việt Nam cho biết: "Chúng tôi luôn ưu tiên cải thiện chất lượng sống, giảm thiểu chi phí và tiếp thêm nghị lực, nâng cao cơ hội sống cho các bệnh nhân đa u tủy xương. Do đó, chúng tôi không ngừng nghiên cứu, phát triển và cải tiến thuốc đặc trị cho căn bệnh này. Chúng tôi nỗ lực tạo dựng các giá trị lâu dài cho ngành y tế nói chung và mang lại hy vọng, hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân đa u tủy xương nói riêng”.