IMF và WB cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái

IMF cho biết khoảng 30% các nền kinh tế thế giới sẽ trải qua ít nhất hai quý liên tiếp tăng trưởng âm trong năm nay và năm sau; còn WB cho biết các nền kinh tế tiên tiến đang tăng trưởng chậm lại.

IMF và WB cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Wellington, New Zealand. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai quan chức đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo nguy cơ suy thoái trong nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng, do lãi suất tăng trong khi các nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng chậm lại.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva ngày 10/10 cho biết trong ba năm qua, thế giới đã phải trải qua những sự kiện khó tin và đang gây ra những hậu quả đáng kể như đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine cùng các thảm họa khí hậu.

Theo bà, kinh tế toàn cầu đang chuyển từ một môi trường có lạm phát thấp và lãi suất thấp sang một thế giới “dễ biến động và mong manh hơn.”

IMF đã tính toán rằng khoảng 30% trong số các nền kinh tế thế giới sẽ trải qua ít nhất hai quý liên tiếp tăng trưởng âm trong năm nay và năm sau. Ngoài ra, khoảng 4.000 tỷ USD sẽ bị mất đi vào năm 2026 do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại - con số này gần tương đương với quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức.

Phát biểu tại cuộc hội thảo “Con đường phía trước: Giải quyết nhiều khủng hoảng trong kỷ nguyên biến động” trong khuôn khổ cuộc họp thường niên của WB-IMF được tổ chức tại Washington mới đây, bà Georgieva cho rằng lạm phát đang ở mức cao, đòi hỏi quá trình thắt chặt các điều kiện tài chính phải diễn ra nhanh hơn so với dự đoán ban đầu.

Người đứng đầu IMF cho biết Trung Quốc đang phải vật lộn với sự gián đoạn nguồn cung do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, và sự biến động trên thị trường nhà ở đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống, trong khi lãi suất cao đã gây ra nhiều tác động ở Mỹ.

Chủ tịch WB David Malpass cho biết nền kinh tế thế giới đang đối mặt nguy cơ suy thoái trong năm tới, đồng thời cho biết thêm các nền kinh tế tiên tiến đang tăng trưởng chậm lại. Ông giải thích: “Đồng tiền mất giá có nghĩa là gánh nặng nợ đối với các nước đang phát triển ngày càng trở nên nặng nề hơn. Việc tăng lãi suất cũng sẽ gây thêm sức nặng cho các khoản nợ đó. Và lạm phát vẫn cũng là một vấn đề lớn đối với tất cả người dân, đặc biệt là đối với người nghèo.”

WB ước tính đại dịch đã đẩy khoảng 70 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020, mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ khi WB theo dõi tình trạng nghèo đói toàn cầu từ năm 1990. Thể chế tài chính này cũng ước tính khoảng 719 triệu người sống với mức dưới 2,15 USD/ngày vào cuối năm 2020.

Người đứng đầu WB nhấn mạnh rằng một trong những vấn đề lớn đối với nền kinh tế toàn cầu là làm thế nào để sản xuất nhiều hơn và tăng trưởng cao hơn. Theo ông, điều này phải bắt đầu từ các nền kinh tế tiên tiến vì các nước này có nhiều vốn hơn và sử dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều đó sẽ giúp hạn chế lạm phát.

IMF và WB cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái

Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Ballymena, Bắc Ireland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Malpass cho biết nếu các nước có thể cùng phối hợp để thúc đẩy các chính sách tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là những chính sách cải thiện nguồn cung, thì điều đó sẽ ngay lập tức giải quyết một số lo ngại về lạm phát. Ông đồng thời nhấn mạnh các nền kinh tế phát triển cần phải suy nghĩ lại về vấn đề dòng vốn. Vì sẽ rất khó đạt được tăng trưởng toàn cầu trong môi trường nơi một nhóm nhỏ các quốc gia có thể phát hành những khoản nợ không giới hạn trong thời kỳ khủng hoảng.

Bà Georgieva cũng khẳng định nếu các nước cùng hợp lực hành động, kinh tế thế giới có thể giảm bớt tổn thất vào năm 2023.

Cũng đề cập đến những dự báo về suy thoái toàn cầu, Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan, ông Chase Jamie Dimon, ngày 10/10 cho biết một cuộc suy thoái trong nền kinh tế toàn cầu và Mỹ có thể xảy ra vào giữa năm 2023.

Theo ông Dimon, tình trạng lạm phát đang leo thang ở Mỹ và trên toàn cầu, cùng với cuộc xung đột Nga-Ukraine được coi là yếu tố “rất nghiêm trọng” có thể gây ra suy thoái trong 6-9 tháng tới.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cùng với nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới đã mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát, trong bối cảnh nhiều nước đang ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Ông Dimon cho biết Fed “đã chờ đợi quá lâu và làm quá ít” khi lạm phát ở Mỹ leo lên mức cao nhất trong hơn 40 năm. Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần đề cập trong quý 4/2021 rằng lạm phát là “nhất thời,” các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã nhanh chóng chuyển từ giọng điệu ôn hòa sang lập trường “diều hâu” khi diễn biến cuộc chiến ở Ukraine nhanh chóng khiến giá năng lượng , thực phẩm và áp lực lạm phát gia tăng.

Người đứng đầu Fed chi nhánh Chicago, ông Charles Evans, khẳng định Fed có thể làm giảm lạm phát tương đối nhanh chóng trong khi tránh được khả năng xảy ra suy thoái kinh tế - kịch bản còn được gọi là “hạ cánh mềm." Tuy nhiên, ông Dimon cho biết ông không chắc cuộc suy thoái của Mỹ có thể kéo dài bao lâu. Tình hình còn phụ thuộc rất nhiều vào những gì xảy ra với cuộc chiến ở Ukraine.

Theo Hằng Linh (Vietnam+)

Đọc thêm

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.