Toàn cảnh Hội nghị văn hóa toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2022.
Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh vào tháng 5/2022. Hội nghị đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng và truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh. Từ đó giúp cả hệ thống chính trị và Nhân dân thấm nhuần quan điểm: Văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực phát triển của đất nước.
Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn). Ảnh: Thanh Hải
Năm 2022, Hà Tĩnh lập hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh nhân văn hóa thế giới; tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - cuộc đời và sự nghiệp”; phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo cấp quốc gia Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hà Nội. Cùng với lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được công nhận là lễ hội quốc gia, các hoạt động này tạo sức hút du khách đến với quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông ở Hương Sơn.
Một tài liệu văn bản hành chính thuộc bộ sưu tập “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”.
Niềm vui lớn của tỉnh nhà trong nỗ lực hành động bảo tồn, phát huy giá trị di sản đó là Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) đã được Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOCAP) công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 26/11/2022.
Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh đón nhận “Giấy chứng nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương” sau khi kết thúc phiên họp toàn thể của MOWCAP diễn ra tại Hàn Quốc, tháng 11/2022.
Đến nay, Hà Tĩnh đã có 5 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh gồm: ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943).
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ban và Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh.
Hà Tĩnh có thêm 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và 8 người là Nghệ nhân Ưu tú trong năm 2022.
Tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 26 nghệ nhân được phong tặng các danh hiệu, trong đó, có 3 người là Nghệ nhân Nhân dân và 23 người là Nghệ nhân Ưu tú.
Hội thảo khoa học “Hào khí Cần Vương - khát vọng Vũ Quang" được tổ chức vào tháng 6/2022.
Kho báu văn hóa Hà Tĩnh không ngừng được khai phá, làm sáng rõ những giá trị mới thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, với nhiều cuộc hội thảo quy mô, thu hút nhiều học giả trong cả nước tham gia, như: Hội thảo khoa học “Hào khí Cần Vương - khát vọng Vũ Quang”, “Đóng góp của giáo dục và khoa cử Nho học ở Hà Tĩnh đối với lịch sử dân tộc”…
Năm 2022, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tham gia Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc đã giành 2 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ. Ảnh: Cảnh trong vở diễn “Đi qua ngày giông bão” tham gia liên hoan.
Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp lẫn phong trào được tổ chức sôi nổi, lan tỏa các giá trị truyền thống, khơi dậy niềm phấn khởi, cổ vũ Nhân dân từ thành thị đến đồng bằng, miền núi đến miền biển tham gia.
Màn bắn pháo hoa trong Chương trình lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và 15 năm Ngày thành lập TP Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Các hoạt động bảo tồn dân ca ví, giặm, ca trù, diễn xướng Truyện Kiều được duy trì thường xuyên, đưa các giá trị văn hóa thấm sâu vào đời sống, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân.
Tiết mục tại Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của học sinh thành phố Hà Tĩnh năm 2022