Theo Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ, cổng vào làng cổ Trường Lưu xưa bắt đầu từ khu vực cầu Quan, cây cầu bắc qua sông Phúc Giang, dòng chảy đổ vào sông Nghèn và xuôi về biển qua cửa Sót ngày nay.
Sông Phúc Giang xưa có chiều rộng khoảng 20m, gắn với giai thoại vua Hồ Quý Ly từng đem thủy quân đến tập trận tại đây. Tên con sông cũng được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh dùng để đặt tên cho thư viện do ông sáng lập: Thư viện Phúc Giang. Hiện nay, con sông đã bị bồi lấp nên thu hẹp dần. Trong ảnh: Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ (bên trái) và người dân làng Trường Lưu bên cầu Quan bắc qua sông Phúc Giang.
Nằm bên sông Phúc Giang, cách cổng làng chừng 300m là giếng Ngọc có tuổi đời hàng trăm năm, giếng nước nổi tiếng mát ngọt, được dùng để ăn uống, sinh hoạt cho người dân Trường Lưu. Tương truyền, bà Phan Thị Trừu (mẹ của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh) trong một lần đi gánh nước đêm, bất chợt thấy sao chiếu vào thùng nước sáng rực. Bà về kể với chồng và uống hết nước trong thùng, sau đó bà có thai và sinh ra Nguyễn Huy Oánh, một người tài năng lỗi lạc sau này.
Nằm trong hệ thống di tích làng cổ Trường Lưu không thể không nhắc đến Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nhà thờ Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự (hay còn gọi là nhà thờ Lục chi). Nhà thờ được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh xây dựng từ năm 1752 để thờ cha là ông Nguyễn Huy Tựu (1690 - 1750).
Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) tên tự là Kính Hoa, hiệu Lựu Trai. Ông từng đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương tại trường thi Nghệ An lúc 20 tuổi, được bổ quan rồi thăng dần đến chúc Tri phủ Trường Khánh. Năm 1748, Nguyễn Huy Oánh đỗ Thám hoa, được bổ làm Thị giảng trong phủ chúa Trịnh Doanh kiêm chức Hàn lâm viện đãi chế, từng là Nội giảng rồi Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Năm 1761, ông được ban tam phẩm để tiếp sứ nhà Thanh, đến năm 1765 làm Chánh sứ đi sứ Trung Quốc. Năm 1768, ông được thăng làm Hữu thị lang bộ Công rồi sau đó là Thượng thư bộ Công. Năm 1783, Nguyễn Huy Oánh từ quyền Tham tụng (là quyền điều hành chính sự) về tại quê nhà. Tại đây, ông đã thành lập Thư viện Phúc Giang và mở trường dạy học gọi là Trường Lưu học hiệu.
Danh nhân Nguyễn Huy Tự (1743-1790) là con trai Nguyễn Huy Oánh. Năm 1759, ông đỗ thứ 5 khoa thi Hương trường Nghệ lúc mới 17 tuổi. Ông ra làm quan cho triều Lê một thời gian ngắn, sau đó từ bỏ áo quan theo nhà Tây Sơn cùng vua Quang Trung đại phá quân Thanh xâm lược. Trong ảnh: Cụ Nguyễn Huy Thiện - người trông coi nhà thờ Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự.
Về sau Nguyễn Huy Tự trở về quê ở ẩn cùng cha là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh xây dựng Trường học Phúc Giang. Ông để lại nhiều tác phẩm văn học giá trị, trong đó nổi bật là Truyện Hoa Tiên.
Điểm nổi bật tại nhà thờ Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự là 2 văn bia tiến sỹ của 2 danh nhân, được lập lần lượt vào năm 1748 và 1772. Hai văn bia tiến sỹ có mẫu như các văn bia tiến sỹ ở Quốc Tử Giám.
Tại đây lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến Thám hoa Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự, có tuổi đời hàng trăm năm như: kiệu vua ban khi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh vinh quy bái tổ.
Đây cũng từng là nơi lưu giữ Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ đã được UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương. Trong ảnh: Bức hoành phi ghi dòng chữ Hán “Thiên Nam cư sỹ” tên hiệu của Nguyễn Huy Oánh...
Di tích lịch sử văn hóa Nhà thờ Nguyễn Huy Hổ, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng cấp quốc gia năm 2001. Nguyễn Huy Hổ (1783 - 1841) là một trong những người con trai của Nguyễn Huy Tự, cháu gọi Đại thi hào Nguyễn Du bằng chú.
Ông nổi tiếng là người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” và giỏi về nghề thuốc. Năm 1823, Nguyễn Huy Hổ được vua Minh Mạng triệu ông vào Kinh đô Huế làm chức ngự y, lại kiêm Linh đài lang ở Khâm Thiên giám. Nguyễn Huy Hổ để lại cho nền văn học Việt Nam tác phẩm nổi tiếng “Mai Đình mộng ký”. Trong ảnh: Bên trong nhà thờ Nguyễn Huy Hổ.
Đình làng Trường Lưu xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 18, có cấu trúc chữ vương gồm 3 tòa: Thượng đình, Trung đình và hạ đình, các cấu kiện được chạm khắc tinh xảo phong cách thời Hậu Lê. Năm 2008, UBND tỉnh xếp hạng đình là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Đình có văn bia khắc tên 22 vị đỗ đạt khoa bảng của làng Trường Lưu.
Thư viện Phúc Giang và Trường Lưu học hiệu là 2 di tích gắn liền với Mộc bản Trường học Phúc Giang đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương. Trong ảnh: Khu vực dấu tích nơi xưa kia là Trường học Phúc Giang.
Năm 1783, Nguyễn Huy Oánh từ quyền Tham tụng (là quyền điều hành chính sự) về tại quê nhà, thành lập Thư viện Phúc Giang và mở trường dạy học gọi là Trường Lưu học hiệu. Nơi đây đã có hàng nghìn sỹ tử từ Thăng Long cho đến các xứ Châu Hoan theo học và đỗ đạt cao trong các kỳ khoa bảng. Trong ảnh: Giếng cổ trong Trường học Phúc Giang xưa.
Nhà cổ Nguyễn Huy Thản (1819-?) được ông xây dựng vào thời vua Minh Mạng, nhằm để thờ cha ông Nguyễn Huy Vinh (1770 - 1818). Đây là một trong 10 ngôi nhà cổ ở Trường Lưu còn lưu giữ nhiều di sản Hán Nôm như hoành phi, câu đối. Nhà cổ Nguyễn Huy Thản được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2021.
Cùng với 4 di tích cấp quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh, hiện Trường Lưu là làng cổ duy nhất cả nước có 3 di sản được được UNESCO ghi danh gồm: Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu. Trong ảnh: Di sản Hoàng Hoa sứ trình đồ, bản trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Trường Lưu (Can Lộc).\