Khuôn viên Đại học VinUni. Ảnh: VinUni |
Đại học VinUni được phê duyệt ngày 17/12/2019 với tổng đầu tư 6.500 tỷ đồng từ Tập đoàn Vingroup. Trong đó, 3.500 tỷ chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 3.000 tỷ để cấp học bổng tài năng, hỗ trợ tài chính cho sinh viên cũng như bù lỗ vận hành cho 10 năm đầu tiên. Đây là đại học tinh hoa và tư thục phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam.
Hiện, VinUni đã hoàn thiện cơ sở vật chất để phục vụ 3.500 sinh viên. Khuôn viên trường rộng 23 ha với 9 khối nhà được xây dựng theo tiêu chuẩn của QS, gồm tòa nhà chính, ký túc xá, khu phức hợp thể thao, thư viện, các phòng thí nghiệm và trung tâm mô phỏng.
VinUni đặt mục tiêu lọt top 50 đại học trẻ (dưới 50 tuổi) hàng đầu thế giới. Trường hợp tác với hai đại học trong nhóm Ivy League (Mỹ) là Cornell và Pennsylvania. Hai trường này sẽ tham gia vào VinUni từ quản trị, phát triển chương trình đến tuyển dụng, tuyển sinh và kiểm định chất lượng.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Đại học VinUni. Ảnh: VinUni |
GS Rohit Verma, Hiệu trưởng Đại học VinUni, thông tin trường sẽ tuyển khoảng 300 sinh viên cho niên khóa 2020-2021 với ba nhóm ngành chính: Kinh doanh Quản trị, Kỹ thuật và Khoa học máy tính, Khoa học sức khỏe. Cơ chế tuyển sinh, đào tạo và đánh giá sinh viên tuân thủ mô hình đại học tinh hoa trên thế giới.
“Chúng tôi đã nhận được đơn xin nhập học của rất nhiều học sinh ưu tú trên cả nước cũng như khoảng 3.000 đơn xin việc tới từ các tiến sĩ đến từ nhiều đại học nổi tiếng và thành công trên thế giới”, GS Rohit Verma nói.
Dự kiến, chi phí đào tạo trung bình hàng năm (gồm giảng dạy, nghiên cứu, thực tập, trao đổi quốc tế, học kỳ doanh nghiệp và các chi phí đầu tư liên quan...) cho mỗi sinh viên là 35.000 USD (hơn 811 triệu đồng) với hệ đại học và 40.000 USD với hệ sau đại học.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu ba yếu tố cốt lõi của một đại học tinh hoa. Một là thu hút được nhiều tài năng, gồm cả giảng viên, sinh viên, nhà nghiên cứu. Hai là dồi dào về nguồn lực đầu tư. Ba là mô hình quản trị đại học hiện đại, trong đó đề cao tự do học thuật, sáng tạo.
Cùng với đó, đại học đẳng cấp quốc tế cần hướng tới ba mục tiêu là sinh viên sau khi tốt nghiệp được chào đón nhiều nhất, phát triển nghiên cứu mũi nhọn và chuyển giao công nghệ mạnh mẽ nhất. Bộ trưởng Nhạ hy vọng VinUni sẽ đáp ứng được những mục tiêu này.
Quan khách tham quan mô hình trường Đại học VinUni. Ảnh: Giang Huy |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đầu tư cho khoa học và giáo dục là tầm nhìn sáng suốt của mọi quốc gia và Việt Nam cần thể hiện tầm nhìn đó bằng hành động hành động.
Những năm gần đây, nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho giáo dục và khoa học. Tới nay, giáo dục đại học đã có 25% trường là tư thuc, dân lập. Hiện có khoảng 9-10 trường tư thục được đầu tư quy mô lớn, có cơ sở vật chất hiện đại hơn nhiều trường công lập. Đặc biệt, một số doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác đã dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đại học và nghiên cứu khoa học.
“Chúng tôi mong rằng tinh thần, trách nhiệm này sẽ được nhân rộng để có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào đầu tư cho khoa học, giáo dục. Nó không chỉ tốt cho doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm đối với xã hội, với tương lai đất nước”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.