“Khát” vốn vay chương trình giải quyết việc làm tại Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân Hà Tĩnh tại ngân hàng CSXH cao, song do nguồn vốn hạn chế nên nhiều khách hàng chưa thể tiếp cận để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Hằng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam đã tạo điều kiện bố trí nguồn lực để tỉnh Hà Tĩnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Cùng đó, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cũng được nhận ủy thác nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện cho vay các chương trình.

Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vốn cho chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (gọi tắt là giải quyết việc làm) theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ chưa đáp ứng hết nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng.

122-9699.jpg
Lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang kiểm tra mục đích sử dụng vốn chương trình GQVL.

Theo quy định, hạn mức cho vay tối đa của chương trình GQVL tại ngân hàng CSXH đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do ngân hàng CSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất - kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Phong, trú tại thôn Bình Quang, xã Đức Liên (Vũ Quang) đang vay vốn chương trình GQVL tại Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng cam quy mô lớn. Hiện nay, với 700 gốc cam chanh và 100 gốc cam bù, chi phí đầu tư mỗi năm gần 150 triệu đồng và nguồn vốn vay chưa đủ để gia đình trang trải chi phí đầu tư.

Anh Phong chia sẻ: “5 tháng trước, tôi vừa được giải ngân 90 triệu đồng từ chương trình GQVL. Nhu cầu nguồn vốn của tôi lớn hơn, song theo quy định thì chương trình này chỉ vay tối đa được 100 triệu đồng/lao động. Với nguồn lực này, gia đình còn phải vay mượn ngoài để đầu tư. Do đó, kiến nghị ngân hàng CSXH xem xét, phân bổ nâng hạn mức cho vay của chương trình để chúng tôi được tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất – kinh doanh, phát triển kinh tế vườn đồi”.

Ông Phan Thanh Tùng – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang thông tin: “Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách toàn huyện đạt trên 290 tỷ đồng, trong đó dư nợ chương trình GQVL là 102 tỷ đồng. Mặc dù những năm qua, cấp trên đã quan tâm bố trí nguồn vốn này nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn. Theo đó, năm 2024, Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang được phân bổ 20 tỷ đồng nguồn GQVL và đã giải ngân 100% nguồn vốn. Qua tiếp nhận đề xuất cho thấy nhu cầu vay vốn của người dân lớn, song nguồn vốn còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay, qua rà soát thì nhu cầu vay vốn năm 2024 đối với chương trình GQVL tại huyện Vũ Quang là khoảng 20 tỷ đồng”.

113-842.jpg
Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại xã Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ) đạt 78 tỷ đồng, trong đó dư nợ chương trình GQVL gần 7 tỷ đồng.

Tương tự, tại huyện Đức Thọ, nhiều người dân cũng trong tình trạng "khát vốn" chương trình cho vay GQVL; có nhiều hộ đủ điều kiện, song đến nay vẫn chưa được tiếp cận chương trình.

Ông Đoàn Minh Cẩn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ) cho biết: “Đến nay, dư nợ các chương trình tín dụng CSXH toàn xã đạt 78 tỷ đồng, trong đó dư nợ chương trình GQVL gần 7 tỷ đồng với 94 hộ còn dư nợ. Với 10 thôn sản xuất đồ gỗ và 4 thôn chuyên sản xuất nông nghiệp, hằng năm, nhu cầu vay vốn chương trình GQVL tại địa phương rất lớn, tuy nhiên, nguồn vốn được phân bổ về có hạn nên chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân (chỉ đạt hơn 30%). Chúng tôi đề xuất cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tăng nguồn vốn và tăng hạn mức cho vay đối với chương trình này, góp phần cùng địa phương đẩy mạnh quy mô sản xuất – kinh doanh, phát triển làng nghề truyền thống”.

114-158.jpg
Ông Lê Văn Tỵ (bên trái), trú tại xã Hương Thủy (Hương Khê) mong muốn được nâng hạn mức cho vay chương trình GQVL để đầu tư trồng bưởi quy mô lớn.

Thời gian qua, huyện Hương Khê tập trung xây dựng huyện nông thôn mới nên nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh của người dân các xã, thị trấn tăng cao. Được biết, tính đến ngày 30/9/2024, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê đạt trên 632 tỷ đồng, trong đó cho vay GQVL là 112,07 tỷ đồng với 2.147 khách hàng đang dư nợ. Qua phản ánh, nhiều khách hàng tại Hương Khê có nhu cầu vay vốn GQVL nhưng nguồn vốn có hạn nên chưa được vay, trong khi đó, nhiều khách hàng đã được vay vốn lại kiến nghị cần nâng hạn mức cho vay.

Gia đình ông Lê Văn Tỵ (thôn 8, xã Hương Thủy, Hương Khê) cho hay: “Chúng tôi đang vay vốn chương trình GQVL để đầu tư trồng bưởi Phúc Trạch, song số tiền được giải ngân còn khiêm tốn. Với số lượng cây trồng lớn (1.200 cây), chi phí chăm sóc cũng tương đối nhiều; bởi vậy chúng tôi mong muốn Ngân hàng CSXH Việt Nam nghiên cứu để tăng hạn mức cho vay đối với chương trình này. Khi nguồn vốn vay gia tăng đồng nghĩa gia đình sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư sản xuất, kinh doanh”.

Nhìn chung, chương trình cho vay GQVL có thời hạn cho vay dài, nhu cầu vay vốn lớn nhưng tại Hà Tĩnh vẫn chưa cân đối đủ nguồn lực tương ứng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, người dân Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ, Ngân hàng CSXH Việt Nam cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là bố trí nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (GQVL); đồng thời, xem xét nâng hạn mức cho vay để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Được biết, trước vấn đề này, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Ngân hàng CSXH Việt Nam ưu tiên bố trí nguồn vốn GQVL và đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ và bổ sung nguồn ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh.

70-9441.jpg
Tổng dư nợ chương trình GQVL của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đạt 1.457,5 tỷ đồng.

Năm 2024, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh được Trung ương phân bổ 125 tỷ đồng đối với chương trình cho vay GQVL và đã giải ngân 100% nguồn vốn. Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, năm 2024, chi nhánh đã được bổ sung tăng thêm 103,5 tỷ đồng để cho vay sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.

Đến nay, tổng dư nợ chương trình GQVL toàn tỉnh đạt 1.457,5 tỷ đồng với 26.800 khách hàng còn dư nợ.

Ông Phan Ngọc Vũ

Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.