Nuôi kiến làm thú cưng
Nguyễn Tấn Minh Nhựt (33 tuổi, ngụ Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), một cái tên không còn xa lạ trong cộng đồng người chơi kiến tại Việt Nam, đã góp phần không nhỏ trong việc mở đầu và phát triển bộ môn nuôi kiến bằng tank (bể nuôi kiến).
Một lần tình cờ bắt gặp đàn kiến trong tự nhiên, anh Nhựt tò mò, bắt về nhà nuôi trong chậu và thấy chúng vẫn phát triển tốt. Thích thú với loài côn trùng này, anh bắt đầu tìm tòi và biết trên thế giới đã có những cộng đồng nuôi kiến. Thời điểm đó, việc nuôi kiến ở Việt Nam còn khá mới mẻ và được thực hiện một cách tự phát, chủ yếu là nuôi trong những điều kiện đơn giản, chưa có nhiều người quan tâm đến việc xây dựng những chiếc tank chuyên dụng cho kiến.
Nhận thấy tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng nuôi kiến trên thế giới, Minh Nhựt bắt đầu nghiên cứu và chế tạo những chiếc tank (tổ nuôi kiến nhân tạo). Mục tiêu của anh không chỉ làm thành một ngôi nhà lý tưởng cho đàn kiến mà còn tạo ra một hệ sinh thái thu nhỏ, vừa mang tính thẩm mỹ cao, vừa giúp người nuôi quan sát và thư giãn. Những chiếc tổ này đặc biệt phù hợp với lối sống hiện đại, nhu cầu giải trí của người dân thành thị.
Tuy nhiên, những kiến thức nuôi kiến mà anh Nhựt học hỏi từ bạn bè thế giới vẫn chưa đủ. Vì đặc tính của những loài kiến và điều kiện tự nhiên của Việt Nam không giống với các nước khác, nên anh đã trải qua nhiều thất bại. “Trong 6 tháng đầu tiên, tôi đã mất hơn 50 đàn kiến vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm”, anh Nhựt chia sẻ.
Từ đó, anh không chỉ học hỏi từ bạn bè trên thế giới mà còn trực tiếp tìm hiểu trong tự nhiên, thu thập kiến thức thực tiễn để cải tiến thiết kế tank của mình. Qua những chuyến đi thực địa, anh tỉ mỉ quan sát và ghi chép lại cuộc sống của từng loài kiến trong môi trường sống tự nhiên. Với những kiến thức thu thập được, anh Nhựt đã thiết kế nên những chiếc tổ nhân tạo, mô phỏng chân thực nhất môi trường sống của kiến.
Không chỉ chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ, cho ra những bộ tank đẹp mắt, anh Nhựt còn đặc biệt quan tâm đến các yếu tố kĩ thuật như nhiệt độ, độ ẩm và hệ sinh thái xung quanh để tạo ra môi trường sống lý tưởng cho đàn kiến. Bằng cách mô phỏng dựa vào các thuộc tính của từng loài kiến trong điều kiện sống tự nhiên, anh đã tạo ra một "ngôi nhà thu nhỏ", giúp đàn kiến phát triển và sinh sản khỏe mạnh. Ngoài ra, anh Nhựt cũng nghiên cứu về chu kỳ sinh học, đồng hồ sinh học và quá trình sinh sản của từng loài kiến để có thể điều chỉnh môi trường sống trong tank một cách phù hợp, giúp đàn kiến thích nghi và phát triển tốt nhất.
‘Xây nhà’ cho kiến
Chia sẻ về ý tưởng làm tank kiến, anh Nhựt cho biết: “Khi bắt đầu bộ môn này, mình muốn mọi người có cái nhìn khác về kiến nên đã bắt đầu chú trọng đến việc thiết kế và làm tank kiến sao cho vừa phù hợp với những đặc tính của kiến, nhưng cũng vừa phải đẹp và thẩm mĩ. Vì thế, mình tìm hiểu những vật liệu để làm thành những cái tank.”
Mỗi tank được thiết kế có hai phần, phía dưới là phần tổ, được làm bằng những chất liệu phù hợp với đặc tính từng loại kiến, thường làm từ đất sét hoặc thạch cao, thiết kế theo dạng đường hầm. Phần phía trên là không gian mô phỏng môi trường tự nhiên, được trang trí đá sỏi, theo kiểu hòn non bộ, sa mạc tiểu cảnh, không gian rộng rãi cho cả đàn vận động thoải mái. Bên cạnh đó, trong tank cũng phải kết hợp với hệ thống cấp ẩm, ánh sáng, máy đo nhiệt độ, độ ẩm để kiểm soát môi trường cho kiến phát triển. Từ khâu thiết kế, trang trí tank đến việc chăm sóc cho đàn kiến đều được anh Nhựt thực hiện tỉ mỉ qua từng công đoạn.
Mỗi loài kiến có những đặc tính riêng, do đó cần phải thiết kế ra những loại tank phù hợp. “Với những loài không biết leo trèo, phải chọn vật liệu không phẳng như kính hoặc mica. Những loài hoạt động nhiều thì phải làm không gian rộng để chúng có thể thoải mái phát triển, ngược lại những loài chỉ thích không gian hẹp, mình phải thiết kế ra những khoang nhỏ”, anh Nhựt chia sẻ.
Theo anh Nhựt, nuôi kiến là một bộ môn đòi hỏi sự kiên nhẫn và tinh tế. Kiến thích nghi với môi trường tự nhiên, vì vậy việc chăm sóc quá kỹ có thể gây hại cho chúng. Thay vào đó, cần tạo ra một môi trường sống ổn định và cung cấp đủ thức ăn, nước uống. Mỗi loại kiến đều có những tập tính và nhiệm vụ riêng biệt trong đàn, từ kiến chúa, kiến thợ, đến kiến lính, tạo nên một tổ chức xã hội cực kỳ phức tạp và khoa học.
Không như những loài thú cưng khác như chó, mèo hay cá cảnh… kiến là một loài côn trùng nhỏ bé, ít ai nghĩ rằng kiến có thể nuôi trong những mô hình tank đẹp mắt và thú vị như vậy. Đến nay, anh Nhựt đã nuôi hơn 70 loài kiến khác nhau. Trào lưu nuôi kiến không chỉ đơn thuần là thú vui mà còn mang lại thu nhập đáng kể cho người chơi. Anh Nhựt chia sẻ, giá trị của mỗi con kiến có thể dao động từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng, thậm chí lên đến 8 triệu đồng đối với những loài quý hiếm. Hiện tại, anh bán kiến theo đàn, kèm theo những chiếc tank được thiết kế tỉ mỉ, giá cả tùy thuộc vào loài kiến, kích thước đàn và độ phức tạp của tank, có thể từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng.
Sự sáng tạo và kiên trì của anh Nhựt không chỉ giúp anh tự tin giới thiệu bộ môn nuôi kiến bằng tank đến với cộng đồng, mà còn cho mọi người thấy đây không phải là một thú vui kì dị, vô bổ. Anh đã chứng minh được giá trị của bộ môn này. Nuôi kiến bằng tank đã thành một cộng đồng đông đảo tại Việt Nam, được nhiều người hưởng ứng, đồng thời cũng như lời gợi ý cho những bạn trẻ cần cù, sáng tạo, có mong muốn tìm hướng kinh doanh, khởi nghiệp từ mọi hoạt động của đời sống xã hội.