Hori là một doanh nhân yêu thích âm nhạc, hội họa và thiết kế cơ khí. Để có thời gian cho những đam mê của mình, 12 năm trước anh bắt đầu thực hiện chế độ sinh hoạt đi ngủ lúc 2h30 sáng và thức dậy khoảng 30 phút sau đó.
"Chỉ cần chơi thể thao hoặc uống cà phê một giờ trước bữa ăn, bạn sẽ tránh được tình trạng buồn ngủ", Hori nói.
Năm 2016, anh thành lập Hiệp hội đào tạo người ngủ ít Nhật Bản, nơi tổ chức các lớp học về giấc ngủ và sức khỏe. Hori nói rằng những người cần tập trung trong công việc cần giấc ngủ chất lượng hơn giấc ngủ dài. Đơn cử như bác sĩ hay lính cứu hỏa có thời gian nghỉ ngơi ngắn nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất làm việc.
Đài truyền hình Yomiuri TV của Nhật Bản đã quan sát Hori trong ba ngày tại một chương trình truyền hình thực tế có tên Will you go with me? để kiểm chứng khả năng ngủ ít nhưng vẫn tỉnh táo khỏe mạnh. Người ta nhận thấy có những ngày Hori chỉ ngủ 26 phút. Anh dành thời gian tập thể dục, ăn sáng, đi làm với trạng thái tràn đầy năng lượng.
Sau khi thành lập hiệp hội, Hori đã dạy hơn 2.100 học viên trở thành người có khả năng ngủ cực ngắn. Một số học viên nói đã giảm thời gian ngủ từ 8 tiếng xuống 1,5 tiếng mỗi ngày sau khi tập luyện và duy trì được bốn năm. Dù ngủ ít nhưng làn da cùng sức khỏe tinh thần của họ vẫn trong trạng thái tốt.
Câu chuyện của Daisuke Hori sau khi chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm. Một số người nói nể phục người đàn ông 40 tuổi vì biết quản lý thời gian và tăng năng suất lao động nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc cắt giảm thời gian nghỉ ngơi rất tổn hại đến cơ thể, đặc biệt là ép não, tim và nhiều bộ phận khác hoạt động quá sức.
Đã có nhiều nghiên cứu y khoa trên thế giới khẳng định trẻ em trong độ tuổi đi học cần ngủ trung bình 10 giờ, thanh thiếu niên nên ngủ khoảng 8,5 giờ, người từ 26 tuổi trở lên cần giấc ngủ dài 7-9 giờ để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh. Theo một nghiên cứu năm 2024 trên tạp chí QJM, giấc ngủ chất lượng có thể kéo dài tuổi thọ, thêm 4,7 năm cho nam giới và 2,4 năm cho nữ giới.
Các nghiên cứu cũng cho rằng thiếu ngủ kéo dài có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe như suy giảm trí nhớ, suy yếu khả năng miễn dịch, rối loạn tâm trạng và tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Tuy nhiên, trên thế giới cũng từng ghi nhận một số người có khả năng không ngủ suốt hàng chục năm mà sức khỏe vẫn bình thường. Tại Thụy Điển, cụ bà Xvea Eclunđơ đã không ngủ suốt từ năm 1918 đến năm 1973. Ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Kha, sinh năm 1958, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bị hội chứng không thể ngủ từ năm 19 tuổi.