Abu Bakar (hiện 70 tuổi, quốc tịch Bangladesh) rời bỏ quê hương 31 năm trước để tìm kiếm việc làm ở Malaysia. Trong nhiều năm qua, ông làm việc 7 ngày/tuần mà không hề nghỉ phép.
Người đàn ông luôn gửi phần lớn thu nhập về Bangladesh để lo cho việc học hành và chi phí sinh hoạt của con cái, theo South China Morning Post.
Mức lương của ông Bakar không được tiết lộ, song theo trang web việc làm Indeed, mức lương trung bình hàng tháng của một nhân viên vệ sinh ở Malaysia là khoảng 1.640 ringgit (400 USD).
Theo trang dữ liệu Numbeo, một gia đình 4 người sống ở Bangladesh tiêu tốn khoảng 1.200 USD, chưa bao gồm tiền thuê nhà. Hiện vẫn chưa rõ công việc và nguồn thu nhập nào hỗ trợ gia đình Bakar ở Bangladesh.
"Tôi chưa trở về Bangladesh kể từ khi đến đây. Tôi nhớ gia đình và họ cũng nhớ tôi, nhưng mọi việc tôi làm đều vì tương lai tốt đẹp hơn của các con", người đàn ông chia sẻ.
Bakar kể chu trình hàng ngày của ông đơn giản và lặp đi lặp lại: "Mỗi ngày, tôi thức dậy, tắm rửa, ăn sáng, đi làm, trở về nhà, gọi điện cho gia đình ở quê hương, rồi nghỉ ngơi".
Những nỗ lực chăm chỉ của Bakar không vô ích. Con gái ông đã trở thành một thẩm phán được kính trọng, hai người con trai khác làm kỹ sư và bác sĩ.
"Tôi thực sự biết ơn những gì các con tôi đã đạt được", ông bày tỏ.
Theo Humans of Kuala Lumpur, Bakar đã trở về Bangladesh đoàn tụ với gia đình. Khi ông rời đi, đứa con trai thứ 5, cũng là đứa con út, mới 6 tháng tuổi.
Câu chuyện của ông bố Bangladesh cũng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, được nhiều người ngưỡng mộ.
Một dân mạng bình luận: "Thật là một hình mẫu đáng kinh ngạc! Niềm tin và tình yêu không lay chuyển của ông ấy dành cho gia đình đã giúp ông kiên trì trong suốt những năm qua".
"Đừng bao giờ đánh giá thấp phẩm giá của người lao động. Những người lao động này xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình họ bằng chính đôi tay của họ và xứng đáng được mọi người tôn trọng", một người khác viết.
Tuy nhiên, cũng có người chỉ trích những đứa con của ông Bakar, viết: "Nếu tôi là thẩm phán, bác sĩ hoặc kỹ sư, tôi đã đưa cha tôi về nhà từ lâu rồi. Không cha mẹ nào phải chịu đau khổ vì sự thành công của con cái họ".