Video: Buổi sinh hoạt CLB Dân ca ví giặm và ca trù Trường THPT Nguyễn Công Trứ
Tháng ba, khi mùa xuân khiến đất trời bừng sáng, cây cối đâm chồi, nẩy lộc, những miền quê Nghi Xuân càng thêm căng tràn sức sống bởi những câu ca, điệu ví vang ngân trên những sân trường, thôn quê… Đến thăm Trường THPT Nguyễn Công Trứ (thị trấn Xuân An) trong một giờ học ngoại khóa, chúng tôi mới cảm nhận hết không khí sôi nổi của phong trào hát dân ca ví giặm, ca trù của những ĐVTN đang ngồi trên ghế nhà trường.
Vừa ngưng giọng ngân rung khá điêu luyện một bài hát thể “tứ quý” của ca trù, em Phan Thị Quỳnh Trâm (học sinh lớp 12A1, thành viên CLB Dân ca ví giặm và ca trù Trường THPT Nguyễn Công Trứ) cho biết: “Từ nhỏ em đã được nghe các làn điệu dân ca ví giặm, ca trù nhưng chỉ vào THPT em mới có cơ hội sinh hoạt, tập luyện cùng bạn bè. Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô và thế hệ nghệ nhân đi trước, mỗi ngày em càng thấy say mê câu hát của ông cha để lại”.
Em Phan Quỳnh Trâm biểu diễn ca trù và giành giải A, tại Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân lần thứ III, cuối tháng 12/2021.
Quỳnh Trâm là một trong những thành viên có năng khiếu nổi bật của CLB Dân ca ví giặm và ca trù Trường THPT Nguyễn Công Trứ. Em vừa đạt giải A tại Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân năm 2021. Ở trường, Quỳnh Trâm được các thầy cô giao nhiệm vụ hướng dẫn các bạn trong CLB tìm hiểu và hát các thể loại ca trù trong mỗi buổi sinh hoạt.
Mặc dù phong trào hát dân ca trong trường học được Trường THPT Nguyễn Công Trứ khơi dậy trước đó nhưng theo chủ trương của các cấp, ngành, năm 2018, CLB Dân ca ví giặm và ca trù của nhà trường mới chính thức thành lập. Trong 4 năm qua, CLB luôn duy trì hoạt động đều đặn với 15 thành viên chính thức, được kiện toàn vào đầu năm học khi lứa thành viên là học sinh khối 12 ra trường và khối lớp 10 nhập học. Nguồn kinh phí hoạt động của CLB được hỗ trợ từ một phần trích từ ngân sách chi thường xuyên và một phần từ nguồn quỹ hoạt động của Đoàn trường.
Phong trào dân ca trong trường học đã khơi dậy trong tuổi trẻ Nghi Xuân niềm say mê những câu hát của ông cha.
Thầy Trần Thế Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ cho biết: “Cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, chúng tôi luôn nhận thức rõ giáo dục, nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa quê hương cho học sinh đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, bên cạnh đầu tư kinh phí, chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện để CLB Dân ca ví giặm và ca trù của nhà trường phát huy hiệu quả các hoạt động, lan tỏa niềm say mê câu hát cha ông trong mỗi học sinh”.
Nhiều năm qua, phong trào hát dân ca trong trường học ở Nghi Xuân diễn ra sôi nổi. Hiện 100% trường học các cấp từ tiểu học đến THPT trên địa bàn huyện đã thành lập CLB dân ca ví giặm, ca trù, duy trì và sinh hoạt thường xuyên. Trong đó, 3 trường THPT trên địa bàn là: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du và Nghi Xuân không chỉ lan tỏa mạnh mẽ phong trào hát dân ca mà còn là nơi đào tạo, ươm mầm nhiều nhân tố trẻ.
Rất nhiều gương mặt trẻ góp mặt trong Liên hoan ca trù huyện Nghi Xuân, dịp cuối năm 2021.
Dân ca ví giặm, ca trù... còn vang vọng trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du và các miền quê nông thôn mới, bởi đông đảo ĐVTN. Hiện, 15 xã và 2 thị trấn trên địa bàn Nghi Xuân đều thành lập các CLB dân ca ví giặm, ca trù, trò Kiều. Trong đó, thành viên là những người trẻ chiếm số lượng khá lớn, tiêu biểu như: CLB Dân ca ví giặm xã Đan Trường 12/24 thành viên là ĐVTN; CLB Ca trù xã Cổ Đạm có 20/30 thành viên là người trẻ...
Chị Lê Thị Thúy An - công chức văn hóa kiêm Chủ nhiệm CLB Dân ca ví giặm xã Đan Trường cho biết: “Thời gian qua, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng CLB vẫn duy trì sinh hoạt, tập luyện. Ngoài sinh hoạt tập trung, mỗi tháng 1 lần, chúng tôi còn tương tác trao đổi trên nhóm Facebook, Zalo... Đặc biệt, thành viên là các bạn trẻ luôn hào hứng mong chờ dịch bệnh ổn định để có cơ hội mang những tiết mục dân ca ví giặm biểu diễn trên sân khấu lớn”.
Việc người trẻ ngày càng hào hứng với các làn điệu dân ca ví giặm, ca trù... là một tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở huyện Nghi Xuân, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện đại, người trẻ rất dễ bị thu hút bởi các hình thức văn nghệ tân thời và các loại hình giải trí khác... Có được điều đó là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương. Trong đó, ngoài sự chỉ đạo chung của huyện, vai trò của đoàn thanh niên các cấp có ý nghĩa tiên quyết.
Các thành viên trẻ của CLB dân ca ví giặm xã Đan Trường biểu diễn trong chương trình phát động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, năm 2020. Ảnh: tư liệu.
Anh Phạm Trung Thành - Bí thư Huyện đoàn Nghi Xuân cho biết: “Trong kế hoạch hoạt động hằng năm, chúng tôi luôn đưa phong trào hát dân ca vào một trong những nội dung quan trọng. Ngoài việc phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện tổ chức các cuộc thi, liên hoan dân ca ví giặm và ca trù định kỳ hằng năm, Huyện đoàn Nghi Xuân thường xuyên chỉ đạo các cấp đoàn cơ sở đưa nội dung hát dân ca vào các cuộc sinh hoạt cấp chi đoàn đến đoàn xã. Các chương trình biểu diễn văn nghệ chào mừng các ngày lễ bắt buộc các đơn vị tham gia đều phải dàn dựng ít nhất 1-2 tiết mục dân ca trong chương trình...
Với tinh thần tuổi trẻ Nghi Xuân luôn nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, hằng năm, chúng tôi luôn xem phát triển phong trào hát dân ca ví giặm, ca trù, trò Kiều... là một nội dung quan trọng trong chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cơ sở”.
Việc các cấp chính quyền, đoàn thể ở huyện Nghi Xuân khơi dậy phong trào hát dân ca ví giặm, ca trù... trong người trẻ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bởi, khi người trẻ say mê sẽ mở ra một tương lai cho sự kế tục, để câu hát ông cha ngân mãi đến muôn đời sau...