Chị Võ Thị Thắm lập và gửi chứng từ giao dịch với KBNN ngay tại nơi làm việc.
Là kế toán làm việc tại Trường Mầm non Bắc Hà (TP Hà Tĩnh), chị Võ Thị Thắm thường xuyên phải lập và gửi chứng từ đến KBNN Hà Tĩnh. Chị chia sẻ: “Được cán bộ KBNN hướng dẫn cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4, tôi thấy thao tác đơn giản mà tiện ích. Mỗi tháng, tôi phải xử lý 15 - 20 chứng từ, thay vì đi lại khoảng 2-3 lần để hoàn tất thủ tục như trước thì hiện nay chỉ cần nộp trực tuyến. Tôi chủ động trong công việc; tiết kiệm thời gian và chi phí; giảm số lần cập nhật chứng từ vào các hệ thống, hạn chế sai sót xảy ra”.
Tương tự, anh Dương Đình Tịnh - kế toán tại UBND phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Bên cạnh DVCTT, phần mềm hỗ trợ cảnh báo rủi ro trên điện thoại thông minh được triển khai đã giúp chủ tài khoản, kế toán trưởng hoàn toàn có thể chủ động nắm bắt thông tin về tình hình biến động số dư tài khoản, tình trạng xử lý hồ sơ, các giao dịch thanh toán qua ứng dụng KBNN trên thiết bị di động”.
“Cải cách hành chính ở KBNN Hà Tĩnh đã giúp các khoản thu, chi đều được thực hiện công khai, minh bạch và nhanh chóng; đem lại sự hài lòng cho đơn vị dự toán ngân sách khi tham gia giao dịch với KBNN Hà Tĩnh”, anh Phan Hoàng Đức - kế toán tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh đánh giá.
Anh Phan Hoàng Đức cùng đồng nghiệp tiếp nhận kết quả xử lý hồ sơ.
Theo báo cáo của KBNN Hà Tĩnh, thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã giúp các hoạt động cải cách hành chính, hiện đại hóa của KBNN Hà Tĩnh được đẩy mạnh, toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt nghiệp vụ.
Một trong những điểm sáng của cải cách hành chính tại KBNN Hà Tĩnh là triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Hiện, KBNN Hà Tĩnh đã triển khai DVCTT ở mức độ 4. Bước đột phá này giúp các đơn vị giao dịch có thể thanh toán, chuyển rút tiền với KBNN mọi lúc, mọi nơi thuận lợi và an toàn. Thời hạn xử lý hồ sơ giảm trong phạm vi không quá 2 ngày.
Trong năm 2021, KBNN Hà Tĩnh đã nỗ lực triển khai dịch vụ công trực tuyến đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc diện bắt buộc trên địa bàn. Đến nay, tại văn phòng KBNN tỉnh có 484 đơn vị sử dụng ngân sách sử dụng dịch vụ công trực tuyến với 100% tổng số chứng từ giao dịch qua KBNN Hà Tĩnh.
Từ khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, lượng khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại KBNN Hà Tĩnh đã giảm hẳn.
Cùng với đó, việc triển khai thành công Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) đã gắn kết chặt chẽ việc quản lý quỹ KBNN với quy trình quản lý ngân quỹ. Đồng thời, KBNN Hà Tĩnh đã hiện đại hóa công tác kế toán thu, chi ngân sách, hoàn thiện chế độ thông tin báo cáo. Theo đó, việc tập trung nguồn thu và kiểm soát, thanh toán các khoản chi đã được đổi mới toàn diện thông qua việc đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính (thời gian thực hiện giao dịch thu ngân sách nhà nước từ 30 phút còn 5 phút; thời gian kiểm soát chi từ 7 ngày còn 1 - 3 ngày).
Công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) được thực hiện thông qua chương trình Hiện đại hoá thu ngân sách có sự kết nối, chia sẻ gần như tức thời giữa cơ quan thu và phối hợp, uỷ nhiệm thu qua các ngân hàng thương mại (NHTM). Dữ liệu thu NSNN điện tử được kết nối với các cơ quan liên quan, đã mở tài khoản chuyên thu tại các hệ thống NHTM: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, SHB, Lien Viet Postbank, VPBank.
Các giao dịch viên KBNN Hà Tĩnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ thông qua DVCTT.
Nhiều chương trình thanh toán điện tử cũng được triển khai như: Song phương từng ngân hàng; liên ngân hàng, liên kho bạc… 100% giao dịch thực hiện qua ứng dụng công nghệ thông tin nên đã rút ngắn thời gian chỉ còn 5-10 phút/giao dịch; thời gian chuyển tiền đến tài khoản đơn vị thụ hưởng kịp thời hơn.
Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước theo phương thức điện tử tại Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh đã đạt 100% (trừ khối an ninh, quốc phòng), tạo bước cải cách vượt bậc trong phương thức giao dịch giữa đơn vị thụ hưởng ngân sách với Kho bạc.
KBNN Hà Tĩnh đã xây dựng, chuyển đổi và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng này đã giúp công tác quản lý hồ sơ, bảo mật các tài liệu quan trọng được an toàn và thuận lợi hơn; quy trình tiếp nhận, giải quyết, hoàn trả và kiểm tra các kết quả thu, chi ngân sách được rút ngắn thời gian, cải thiện chất lượng.
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp cán bộ KBNN Hà Tĩnh nâng cao của các quy trình nghiệp vụ.
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, KBNN Hà Tĩnh đã tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai phần mềm hỗ trợ cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động. Phần mềm cho phép KBNN Hà Tĩnh theo dõi các đơn vị có độ rủi ro cao và khoản thanh toán cho đơn vị rủi ro; theo dõi hợp đồng và thanh toán hợp đồng. Ngoài ra, phần mềm thông báo biến động số dư tài khoản, tình trạng xử lý hồ sơ và các giao dịch thanh toán kịp thời cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Đến nay, KBNN Hà Tĩnh đã có trên 99% các đơn vị sử dụng ngân sách (đối với các đơn vị bắt buộc) cài đặt và sử dụng phần mềm cảnh báo rủi ro.
Từ những nỗ lực không ngừng cải cách hành chính, năm 2021, KBNN triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ KBNN Hà Tĩnh với kết quả hài lòng đạt 77,68%, đứng thứ 2 cả nước.
Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh Võ Văn Tỵ.
Trao đổi với PV, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh Võ Văn Tỵ thông tin: "Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong những năm qua, đơn vị đã tích cực cải cách cơ chế chính sách, triển khai nhiều dự án hiện đại hóa trong công tác quản lý thu, chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục; hiện đại về công nghệ; đảm bảo quản lý chặt chẽ tiền, tài sản Nhà nước. Những cải cách đó cũng nhằm hướng đến mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN là xây dựng Kho bạc điện tử, tiến tới Kho bạc số với 3 không: “Không khách hàng tại trụ sở”, “Không tiền mặt” và “Không giấy tờ”.
Thời gian tới, KBNN Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính toàn diện trên các lĩnh vực; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả thực hiện DVCTT mức độ 4 của kho bạc. Triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với chất lượng phục vụ của từng đơn vị kho bạc trong hệ thống.
Thực hiện việc công bố, công khai, cập nhật, niêm yết kịp thời các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực kho bạc; tăng cường hướng dẫn, giải thích, cung cấp các thông tin về TTHC cho cá nhân, tổ chức giao dịch với kho bạc. Tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án hiện đại hóa CNTT; nâng cấp hệ thống TABMIS; bổ sung cổng trao đổi dữ liệu qua Internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông; triển khai chương trình thanh toán điện tử liên ngân hàng theo mô hình tập trung.